Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong tìm kiếm việc làm, triển khai các dự án, nhưng tính đến hết ngày 30-10-2016, đơn vị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Cụ thể: Sản lượng đạt 110,8% kế hoạch (bằng 116,6% so với cùng kỳ năm 2015); doanh thu đạt 108,6% kế hoạch (bằng 114,9 % so với cùng kỳ năm 2015); lợi nhuận trước thuế đạt 101% kế hoạch (bằng 109,2% so với cùng kỳ năm 2015); thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Các công trình tổng công ty thi công như: Xây dựng móng cột đường dây 110kV trên biển để kéo điện từ cảng cá Xẻo Nhàu, huyện An Minh ra xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; hầm đường bộ Đèo Cả; công trình điện Nậm Nghẹ, Nậm Củn, Đắc Rông 1, Nậm Toong, A Lin B1, Đắc Mi II, hầm thủy lợi Nậm Mạ Un, cải tạo nâng cấp Cảng quốc phòng Quân khu 7 (Vũng Tàu), Cảng xuất nhập xăng dầu (thuộc Dự án đầu tư xây dựng kho cảng Xăng dầu K662 ở Cam Ranh-Khánh Hòa)... cũng như các công trình ở đảo xa đều được chủ đầu tư đánh giá cao.
Công ty Xây dựng công trình Thủy (Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) thi công móng cột đường dây 110kV trên biển.
Theo Đại tá Tăng Văn Chúc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, để có được kết quả tăng trưởng mọi mặt như hiện nay là do Đảng ủy, Ban tổng giám đốc tổng công ty đã đầu tư trang bị kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, tập trung vào những ngành nghề mũi nhọn mà tổng công ty có kinh nghiệm và đang nắm giữ lợi thế như: Thi công móng các trụ cột điện cao thế trên biển, hầm đường bộ khẩu độ vừa và lớn, hầm thủy điện, các công trình cảng biển, âu tàu, nạo vét cửa sông, cửa biển, luồng lạch…
Tổng công ty hiện đã triển khai thực hiện tốt quy chế khoán sản phẩm và khoán chi phí quản lý, duy trì có nền nếp chế độ hạch toán, thanh, quyết toán theo phân cấp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành...
Đây chính là "chìa khóa" giúp tổng công ty hóa giải những khó khăn để tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu số 1 của Việt Nam về thi công công trình ngầm như: Hầm đường bộ, hầm thủy điện, hầm thủy lợi và các công trình âu tầu, cảng biển và các tuyến đê biển, trở thành đơn vị dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Bộ Quốc phòng, cao nhất trong khối các đơn vị xây lắp toàn quân.
Để tổng công ty tiếp tục phát triển vững mạnh, trở thành thương hiệu quốc gia, ngoài giữ vững và phát huy những điểm mạnh, lợi thế sẵn có như chiến lược phát triển của tổng công ty đã đề ra đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Tập trung nâng cao năng lực xây dựng các công trình thủy, đường hầm khẩu độ lớn, luồng, âu tầu, cảng biển, các tuyến đê biển, tổng công ty sẽ có những cách làm mới để theo kịp xu thế phát triển, nhất là khi các doanh nghiệp quân đội hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong năm 2017 và những năm tới, tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư về trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhất là dây chuyền thi công TBM (công nghệ đào hầm mới) để tham gia các dự án Metro.
Tổng công ty cũng chuẩn bị kỹ về mọi mặt để sẵn sàng triển khai dự án xây dựng đường sắt cao tốc Sa Pha La Khẹt-Lao Bảo, khu chung cư, căn hộ cao cấp tại Ma-lai-xi-a; các dự án tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng tập trung xây dựng các đơn vị chuyên sâu về thi công các công trình hầm thủy điện, giao thông, thủy lợi; quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tái cấu trúc doanh nghiệp, chủ động liên danh, liên kết, tìm kiếm việc làm ở các nước trong khu vực, chuẩn bị tốt nguồn việc cho những năm tới, bảo đảm tốc độ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.