"Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý vụ nào là làm đến nơi, đến chốn"

Hoàng Đan |

"Vừa rồi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý vụ nào là làm đến nơi đến chốn...", ông Huynh nêu rõ.

Định kiến "Hà Nội không vội được đâu" đã giảm bớt đi...

Hôm nay, Đoàn công tác của T.Ư do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội để nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong 10 năm qua, Hà Nội đã giải quyết hơn 25 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thu hồi 359,33 tỷ đồng và 161.628 m2 đất...

Nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã được quan tâm chỉ đạo kịp thời, xét xử với các bản án nghiêm minh, có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa.

Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội đánh giá, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho biết, để hạn chế tham nhũng, Hà Nội thực hiện quy hoạch cán bộ, luân chuyển hợp lý. 

Với vị trí dễ xảy ra tham nhũng, TP có biện pháp quản lý đồng thời với tăng cường kiểm tra để hạn chế khả năng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Phát biểu tại buổi làm việc, với tư cách là Thường trực Ban Bí thư, xử lý những công việc hàng ngày của Đảng, ông Đinh Thế Huynh cho rằng, đối với phong trào, tình hình Hà Nội là rất vững tin, tin tưởng.

"Kể cả, vào những ngày chủ nhật, diễn ra việc nọ việc kia thì Hà Nội cũng xử lý rất bài bản, đúng pháp luật, lấy tuyên truyền, thuyết phục, vận động là chính. Tạo ra sự đồng thuận, êm thấm. Cảm tưởng chung là như vậy", ông Huynh nói.

Về công tác phòng chống tham nhũng, thay mặt Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ông Huynh cũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và kết quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng bộ Hà Nội trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua của Hà Nội, theo ông Huynh còn có những hạn chế.

"Các đồng chí đã có những cố gắng, tích cực khắc phục nhưng tiếp tục khắc phục mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Gần đây câu "Hà Nội không vội được đâu" thì đã giảm bớt đi rồi, tôi ít nghe thấy và Hà Nội cũng đang quyết tâm xóa bỏ bằng được cái định kiến này.

Tôi cho rằng đây là định kiến mà định kiến này không dễ dàng gì xóa bỏ được, nhưng đã cố gắng rồi. Theo tôi chắc một hai năm là sẽ xóa bỏ được.

Hà Nội không những bình thường như những địa phương khác mà còn phải đi đầu trong việc cải cách hành chính, trong việc thực hiện các nguyện vọng chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp", ông Huynh chỉ rõ.

Ông Huynh cũng nêu, để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thực sự có chuyển biến rõ rệt, Hà Nội cần phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa những mục tiêu, giải pháp đưa ra.

Chú trọng cả phòng và chống với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ hơn nữa về công tác phòng chống tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân.

Chống tham nhũng thì nói ít, làm nhiều

Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ, trong tất cả thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều mà nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng.

Các phiếu thăm dò trong đợt thăm dò dư luận xã hội do Ban tuyên giáo T.Ư, viện nghiên cứu dư luận xã hội Ban tuyên giáo T.Ư tiến hành ở quy mô lớn, thì nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm lo lắng hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, phải tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng.

Đây là nhân tố hàng đầu, bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và chống tham nhũng phải thực hiện bằng những hành động cụ thể, sau khi tiến hành xong thì công khai cho nhân dân biết, thu hút sự giúp đỡ, tham gia và giám sát của nhân dân.

"Chống tham nhũng thì nói ít, làm nhiều, nói đến đâu làm đến đó, thậm chí làm xong mới công bố cho nhân dân biết. Chứ nói nhiều, làm ít thì càng mất niềm tin.

Vừa rồi, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý vụ nào là làm đến nơi đến chốn.

Và các cơ quan trong hệ thống chính trị vào cuộc là phối hợp chặt chẽ với nhau, vướng mắc ở khâu nào thì xử lý, khắc phục ở khâu đó, không làm tràn lan.

Nhưng mà làm với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết và kiên trì, đạt được hiệu quả, công bố công khai để báo cáo với nhân dân", ông Huynh nhấn mạnh.

Ông Huynh cũng yêu cầu, các cấp ủy, Tổ chức Đảng phải nâng cao tính chiến đấu, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Đây là một trong những thiếu sót của chúng ta nói chung và của Hà Nội nói riêng.

"Cái tự phát hiện của các tổ chức Đảng, của các cơ quan còn ít. Phần lớn là do các cơ quan chức năng phát hiện hoặc là do đơn thư tố cáo của nhân dân.

Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc còn tự phát hiện, tính chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa", Thường trực Ban Bí thư nói thêm.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng.

"Tạo ra sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, và phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng, những hành vi tham nhũng.

Khi nào tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng, những hành vi tham nhũng không chịu nổi chứ còn tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được", ông Huynh chỉ rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại