Bộ phim Tây Du Ký trở thành một phần của ký ức nhiều người qua nhiều thế hệ. Và Tôn Ngộ Không trở thành một biểu tượng bất biến của nghệ thuật điện ảnh.
Vậy Tôn Ngộ Không là ai, liệu Tôn Hành Giả đi Tây Trúc thỉnh kinh có thật trong lịch sử hay chỉ là một sản phẩm của thế giới hình tượng mà Ngô Thừa Ân sáng tạo nên?
Tôn Ngộ Không trong "tứ đại danh thư" đến màn ảnh nhỏ
Nhiều người trong chúng ta thường cho rằng, Tôn Ngộ Không chỉ là một nhân vật giả tưởng do Ngô Thừa Ân sáng tạo ra.
Trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng, Tôn Ngộ Không được khắc họa với hình hài của một con khỉ đá trường sinh bất tử, sở hữu những khả năng phi thường.
Tôn Ngộ Không là con khỉ đá thác sinh do Trời – Đất, được thiên địa hoá dục mà thành, vốn sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời.
Khi sinh ra, Tôn Ngộ Không thông minh lanh lợi, sớm trở thành Mĩ Hầu Vương của Hoa Quả Sơn.
Tôn Ngộ Không chu du khắp bốn biển tìm tiên cầu Đạo, cuối cùng cũng đến được nơi cần đến.
Khỉ đá tìm được đến núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, bái kiến Bồ Đề tổ sư làm thầy.
Khi Bồ Đề Tổ Sư hỏi "Nhà ngươi tên gì?", Thạch Hầu nhanh miệng trả lời "Con không có danh tính. Nếu người khác chửi con, con không thấy phiền não; nếu người khác đánh con, con cũng không tức giận; chỉ là lấy lễ đáp lại là được. Một đời không có tên".
Phát hiện được căn cơ của Thạch Hầu, Bồ Đề tổ sư đã truyền dạy đạo pháp trường sinh cùng 72 phép biến hóa (Thất thập nhị huyền công - Địa Sát).
Bẩm sinh căn cơ tốt phi thường, sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo, trở thành một Thái Ất kim tiên.
Được Thượng Đế sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh, ngao du khắp chân trời góc biển, hưởng phúc lành cõi thần tiên.
Nhưng khi không được mời tới hội bàn đào và chức quan của mình quá nhỏ, Tôn Ngộ Không đã tức giận bỏ về Hoa Quả Sơn.
Chỉ vì sinh lòng ngông ngạo, Tôn Ngộ Không đã đại náo thiên cung, ăn trộm đào tiên và linh đan trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân sau đó bị Phật Tổ phạt giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, "đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng".
Tề Thiên Đại Thánh được Đường Tăng giải cứu, từ bỏ ma tâm để sống với thiện tâm, một lòng học Đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng, trừ gian diệt ác, lấy lại lẽ phải, công bằng.
Lấy được chân kinh, Tôn Ngộ Không được thắng phong là Đấu Chiến Thắng Phật.
Với sự nổi tiếng của mình, hình ảnh của Tôn Ngộ Không nhanh chóng được khai thác trong các lĩnh vực nghệ thuật.
Tại quê hương Trung Quốc, vai diễn Tôn Ngộ Không đã trở thành một phần không thể thiếu trên các sân khấu kịch, các bộ phim truyền hình.
Về cơ bản, hình ảnh Tôn Ngộ Không thường chỉ mô tả lại một phần cuộc đời và dựa nhiều vào bộ truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.
Và người hoá thân xuất sắc nhất Tôn Ngộ Không phải nói đến nhà họ Chương danh giá với 3 huyền thoại: cha Lục Linh Đồng (Chương Tông Nghĩa), hai con là Tiểu Lục Linh Đồng (Chương Kim Tinh) và Lục Tiểu Linh Đồng (Chương Kim Lai) được mệnh danh là gia tộc Tôn Ngộ Không.
Kể từ thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, những vai diễn Tôn Ngộ Không do 3 cha con này đảm nhiệm đã đưa tên tuổi của Tề Thiên Đại Thánh vang khắp thế giới.
Tôn Ngộ Không là người Ấn Độ hay Trung Quốc?
Tôn Ngộ Không là sáng tạo nghệ thuật của Ngô Thừa Ân song thực tế, nhân vật này thực sự có thực hay không vẫn luôn là một dấu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu.
Một số học giả cho rằng, hình ảnh Tôn Ngộ Không thực chất được phỏng theo "thần khỉ" trong Ấn Độ giáo, có tên là Hanuman.
Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Hanuman thường được coi là con trai của thần gió Vayu.
Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm.
Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana), và cũng được Rama thương yêu nhất, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực
Rama được coi là hóa thân của Vishnu, là Đấng bảo tồn trong quan niệm Trimurti của Ấn giáo. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì Hanuman là người phụng sự vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất.
Thần thoại Ấn Độ qua mấy ngàn năm không ngừng truyền tụng các kỳ tích của Hanuman, để rồi Hanuman sớm trở thành một hình ảnh quen thuộc, phổ biến của mỹ thuật Ấn giáo.
Căn cứ được đưa ra chính là những ghi chép có thật của pháp sư Huyền Trang - nhân vật lịch sử có thật của Đường Tam Tạng trong Tây Du Ký.
Hình ảnh pháp sư Huyền Trang trên đường đi thỉnh kinh.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện ra dấu tích khác về nguồn gốc của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm tuổi trong động Thiên Phật (cách thành Tây An, Cam Túc khoảng 90km).
Trong các bức hình, người ta thấy cảnh một vị hòa thượng và "hầu hình nhân" (một sinh vật có hình hài giống khỉ) đang nghiêm trang chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm.
Vào năm 2005, các nhà khảo cổ học phát hiện trong miếu Song Thánh Bảo Sơn ở tỉnh Phúc Kiến có hai ngôi mộ nằm với tổng diện tích khoảng 18m2, ước tính rộng 2,9m, sâu 1,3m.
Điều khó tin là những gì các nhà khảo cổ học tìm thấy bên trong ngôi mộ lại có sự liên quan thần kì với những gì xảy ra trong Tây Du Kí khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ.
Bức tượng Tôn Ngộ Không được tìm thấy trong ngôi mộ cổ. (Ảnh: Chinanews).
Ngôi mộ có hai tấm bia dựng thẳng ở chính giữa, bia bên trái có khắc chữ "Tề Thiên Đại Thánh", bên phải khắc "Thông Thiên Đại Thánh", phần dưới cùng của mỗi bia đều có hai chữ nhỏ "Thần vị".
Theo như suy đoán phân tích thì thời gian xuất hiện ngôi mộ này sớm hơn so với Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân hơn hai thế kỷ.
Qua quá trình nghiên cứu tài liệu, giới chuyên gia đã phát hiện ra rằng, dưới thời nhà Nguyên có một văn nhân tên Dương Cảnh Hiền từng sáng tác bộ hí kịch cũng có tên là Tây Du Ký.
Và rất có thể Ngô Thừa Ân đã dựa vào khúc hí kịch ấy để làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Hoặc có hay không khả năng nhà văn Ngô Thừa Ân đã xuyên không về thời cổ đại?
Tuy nhiên lại có một nghiên cứu khác chứng minh rằng: Tôn Ngộ Không thực chất là một người Trung Quốc cổ đại.
Nhân vật có thật tên là Thạch Bàn Đà, quê quán Tiên Dương, Trung Quốc. Bởi hình dáng kì quái, xấu xí nên mọi người trong thôn gọi anh là "hầu hình nhân" tức người khỉ.
Thạch Bàn Đà có võ nghệ cao cường, thông minh nhanh nhẹn và hay giúp đỡ người xung quanh, diệt trừ thú dữ nên được mọi người yêu quý.
Năm 629, khi Huyền Trang đi thỉnh kinh ngang qua Tiên Dương, Thạch Bàn Đà được Đường Tăng giảng Phật pháp. Vì giác ngộ và được Đường Tăng cảm hóa, nên Thạch Bàn Đà nguyện từ bỏ hồng trần, theo tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên lấy kinh.
Trong một tài liệu nghiên cứu gần đây chứng minh một thông tin "kinh thiên động địa" rằng: Tôn Ngộ Không quả có thật.
Người này tên là Thích Ngộ Không (731 – 812), tên tục là Xa Phụng Triều, người quận Kinh Triệu, huyện Vân Dương. Ông là một hậu duệ xa, có liên quan tới Thác Bạt Thị (bộ lạc sau này đã gây dựng nên triều Bắc Ngụy, thống nhất toàn miền bắc Trung Hoa).
Ngộ Không từ nhỏ tư chất thông minh, yêu thích Nho học, là người nổi tiếng hiếu kính và biết cách đối nhân xử thế.
Vào năm 751, Ngộ Không theo Trương Quang Thao đi sứ tới Tây Vực, do mắc trọng bệnh nên phải ở lại nước Kiền Đà La – nơi Phật pháp cực hưng thịnh (nay là địa phận Peshawar, Pakistan) không thể hồi hương.
Cùng năm đó, Ngộ Không nhận pháp sư Tam Tạng làm sư phụ, lấy pháp hiệu là Đạt Ma Đà Đô và đi tu, mãi tới năm 789 mới quay trở về kinh thành.
Thích Ngộ Không đồng hành cùng Huyền Trang suốt 40 năm, tại phương Tây cùng tham gia phiên dịch và truyền giáo, để lại rất nhiều sự tích cùng truyền thuyết.
Một số thuyết cho rằng, người ta đã đem cái tên Thích Ngộ Không trộn lẫn với cái tên "Hầu Hành Giả", người luôn ở bên cạnh Đường Tăng trong câu chuyện lấy kinh rồi liên hệ lẫn nhau.
Sau khi từ Tây Vực trở về, Ngộ Không bắt đầu biên dịch kinh thư và tham gia vào các hoạt động truyền giáo trong nhiều năm.
Một số học giả tin rằng hành trình của Đường Tam Tạng và Tôn Ngộ Không đã được trộn lẫn vào nhau để tạo nên câu chuyện "thỉnh kinh" đầy biến động và li kì trong suốt hàng thế kỷ qua.
Dù vậy, đối với những độc giả say mê Tây Du Ký và câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, điều đó cũng không hề quan trọng.
Hành trình 10 vạn 8 nghìn dặm của thầy trò Tam Tạng từ Trung Thổ sang Tây phương thỉnh kinh với biết bao thăng trầm, ma nạn, về một khía cạnh nào đó, cũng chính là con đường tu dưỡng của đời người ta. Nếu muốn tiến về hạnh phúc viên mãn, người ta chắc chắn phải kinh qua nhiều khổ nạn, nhọc nhằn.
(Còn nữa)