Dòng tin nhắn hoảng loạn
Dòng tin nhắn dưới đây có thể khiến người khác cảm thấy hoảng loạn ngay lập tức.
"Có phải bạn đang chuyển số tiền 7500 USD ra khỏi tài khoản không? Trả lời Y nếu đúng, hoặc N để báo cáo lừa đảo".
Đối với Kelli Hinton, cư dân Ohio, đây là khởi đầu của một vụ lừa đảo khó tin, khi "một kẻ lừa đảo lại giả dạng chính điều tra viên lừa đảo" của ngân hàng Chase để cuỗm sạch hai tài khoản ngân hàng của cô với số tiền 15.000 USD (hơn 300 triệu đồng).
Hinton không phải nạn nhân duy nhất của trò lừa . Trường hợp của cô là một phần trong hàng loạt vụ lừa đảo tin nhắn SMS ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người Mỹ mỗi năm.
Hình thức này hay còn gọi là "smishing", viết tắt của cụm từ chỉ tin nhắn SMS lừa đảo, các trò lừa tiền người dùng điện thoại di động bằng cách sử dụng các tin nhắn mạo danh một người hoặc công ty quen thuộc nào đó để khiến nạn nhân tin tưởng và làm theo.
Mặc dù tin nhắn lừa đảo đã xuất hiện trong nhiều năm qua nhưng dữ liệu cho thấy vấn nạn này đang gia tăng. Những kẻ lừa đảo sử dụng vô số cách tiếp cận sáng tạo để cố lừa tiền nạn nhân.
Một số giả vờ cung cấp việc làm, yêu cầu chuyển tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng để được nhận việc. Những kẻ khác giả vờ liên lạc với nhầm người rồi bắt chuyện, sau đó đưa đẩy cuộc nói chuyện đến khi người dùng điện thoại phải mở ví.
Một trò lừa phổ biến khác là lấy tên sếp của một người từ danh bạ hoặc trang web, sau đó mạo danh vị sếp đó và nhờ mua giúp thẻ quà tặng. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu chụp ảnh mặt sau của thẻ quà tặng để lấy mã rồi giả vờ không cần dùng đến nữa và đề nghị hoàn trả.
Nhiều tin nhắn lừa đảo giả vờ là từ một công ty quen thuộc, như Amazon, UPS hoặc một ngân hàng nổi tiếng.
Trong trường hợp của Hinton, vụ lừa đảo bắt đầu bằng một tin nhắn văn bản vào ngày 3/1, yêu cầu kiểm tra xem cô có ủy quyền chuyển 7.500 USD ra khỏi tài khoản của mình hay không.
Trước khi kịp trả lời do đang bận rộn, có một người đàn ông lịch sự, tự nhận mình là "Simon, chuyên gia điều tra gian lận của ngân hàng Chase", gọi từ một số điện thoại có vẻ khớp với đường dây nóng ở mặt sau thẻ ngân hàng của cô.
Người này nói với Hinton rằng một kẻ lừa đảo đã truy cập vào tài khoản của cô và người phụ nữ này cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn việc chuyển tiền ra ngoài. Cùng lúc đó, có nhiều tin nhắn gửi đến thông báo có các giao dịch chuyển khoản ngân hàng trái phép trong tài khoản.
Kẻ lừa đảo chuyên nghiệp nói chuyện trong hơn một giờ, đề nghị nạn nhân cần đặt lại thông tin xác thực và mật khẩu ngân hàng để ngăn chặn hành vi lừa đảo. Thế nhưng, chính việc đặt lại mật khẩu đã cho phép những kẻ lừa đảo ủy quyền chuyển khoản ngân hàng ra khỏi tài khoản của Hinton.
Hinton nhận ra có điều gì đó không ổn khi người gọi đột ngột cúp máy và cô đã gọi cho ngân hàng ngay lập tức. Và đúng như dự đoán: Tiền đã biến mất.
Trò lừa đau đớn
Hinton cho biết: "Lúc đó tôi đang mang thai 7 tháng và cảm thấy như sắp đột quỵ. Đó là tiền chúng tôi tiết kiệm cho con của mình".
Stefan Koester, nhà phân tích chính sách tại một tổ chức tư vấn công nghệ ở Washington DC, đã suýt bị lừa bởi một thủ thuật khác khác. Vào tháng 1, anh nhận được tin nhắn tự xưng là từ Dịch vụ Bưu chính Mỹ, cho biết có vấn đề với một gói hàng sắp được chuyển đến cho anh ấy.
Khi nhấp vào liên kết trong tin nhắn, Koester được đưa đến trang web có thiết kế giống hệt trang chủ của hãng. Koester cho biết ngày hôm đó anh đang rất vội nên không nghĩ quá nhiều và bắt đầu nhập thông tin địa chỉ của mình để sửa lỗi giao hàng.
Mãi cho đến khi lời nhắc yêu cầu anh nhập số thẻ tín dụng để trả khoản phí thay đổi địa chỉ 3 USD, Koester mới dừng lại.
Lừa đảo qua tin nhắn thậm chí còn khó tránh hơn so với lừa đảo qua điện thoại hoặc email, bởi đây là hình thức giao tiếp khẩn cấp hơn và người dùng có xu hướng tin tưởng, vì thông thường mọi người chỉ sử dụng tin nhắn để giao tiếp với ai đó họ biết rõ.
Melanie McGovern, giám đốc quan hệ công chúng của Better Business Bureau, tổ chức theo dõi hàng ngàn vụ lừa đảo hàng năm thông qua trang web Scam Tracker cho biết: "Mọi người phản ứng với tin nhắn nhiều hơn là email, bởi tin nhắn rất tức thời. Kẻ lừa đảo biết rằng tỉ lệ mở tin nhắn ngay khi nhận được là 95%".
Các chuyên gia cho biết những kẻ lừa đảo, có thể ở bất cứ đâu trên thế giới, sử dụng các hệ thống gửi tin nhắn tự động đến hàng nghìn số điện thoại, thường là ngẫu nhiên. Nhưng chỉ cần một hoặc hai người phản hồi là kẻ đó đã có thể ăn cắp hàng nghìn USD mỗi ngày. Tất nhiên, chúng rất ít khi bị bắt.
Amy Nofziger, giám đốc hỗ trợ nạn nhân lừa đảo của AARP, cho biết: "Mọi người thực sự cần hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Nếu bạn nhận được bất cứ thứ gì yêu cầu thẻ quà tặng hoặc trao đổi tiền điện tử, hãy dừng lại! Đó là một trò lừa đảo. Nếu ai đó muốn số an sinh xã hội hoặc số thẻ tín dụng hay mật khẩu tài khoản ngân hàng, cũng đừng làm theo".