Tháng 11/2016, cậu bé T. học sinh lớp 11 ở Hải Phòng đi xe đạp điện vô tình quệt vào một chiếc ôtô đang đỗ, làm gãy gương. Người chủ xe không có mặt lúc đó.
Khi quay lại, ông chủ xe thấy một tờ giấy dán trên kính với dòng chữ: "Do vô tình nên cháu đâm vào gương ôtô. Cháu xin lỗi. Liên lạc với cháu theo số điện thoại… để cháu đền ạ (Do cháu không biết chủ xe là ai)".
Cảm động trước sự thành thực của cậu học sinh, người chủ xe đã quyết định không bắt đền.
Tháng 12/2016, một cậu bé khác cũng ở Hải Phòng, 7 tuổi, đi xe đạp đâm trúng chiếc taxi đang đỗ. Tài xế ngồi trong xe, thấy cậu bé dừng lại không đi bèn hạ kính nhìn ra.
Cậu bé đứng ngay ngắn xin lỗi. Tài xế taxi nói anh thấy "mát lòng mát dạ", vì thường ngày làm việc trên đường, xe anh bị va quệt nhiều nhưng hiếm khi có một lời xin lỗi mà đa số chỉ là lườm nguýt, chửi bới, đòi đánh hoặc bỏ chạy vì sợ bị bắt đền.
Anh cũng không bắt đền cậu bé 7 tuổi dũng cảm nọ, mà chỉ giục cháu về nhà kẻo bố mẹ lo.
Tháng 1/2017, một thương binh 62 tuổi điều khiển xe ba bánh va quệt xe hơi, làm gãy gương và xước sơn. Thay vì dừng lại nói chuyện, người thương binh chọn cách bỏ chạy.
Chủ xe hơi đuổi theo, và một vụ đánh đập xảy ra. Pháp luật vào cuộc. Việc hành hung tất nhiên là rất sai trái, nhất lại là hành hung một thương binh già. Những kẻ đánh người bị khởi tố. Ra tòa, có thể còn có án tù.
Thế nhưng mọi chuyện có thể đã không đi xa tới vậy, nếu như người thương binh ấy chọn cách hành xử khác. Với việc bỏ chạy, ông đã đưa những người chủ xe cái "quyền" đuổi theo làm cho ra nhẽ.
Còn nếu dừng lại, nói chuyện như những người đàn ông, ai có sai nhận sai, thì thiệt hại cùng lắm chỉ là đền tiền. Tiếc rằng ở đời không có chuyện "nếu như".
Tháng 2/2017, ở Nam Định, một phụ nữ mở cửa xe hơi bất ngờ khiến hai nữ sinh đi xe đạp từ phía sau tới tông thẳng vào cánh cửa, ngã ra đường.
Nữ tài xế chỉ đứng khua tay chỉ trỏ mà chẳng hề có một động tác giúp đỡ nào với hai nạn nhân nằm lết bết dưới chân bà.
Nghĩ tới cách hành xử của những đứa trẻ ở Hải Phòng, không khỏi băn khoăn với suy nghĩ: Ai mới thật sự là người lớn?
Ầm ĩ nhất mới đây là vụ việc liên quan đến vị Hiệu trưởng, nay đã là Cựu hiệu trưởng, trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội).
Ngồi trên chiếc taxi đi vào sân trường đầy học sinh, bà Ngọc chẳng những không có hành động nào giúp đỡ cậu học trò bé bỏng trong chính ngôi trường do bà đứng đầu, khi cậu bị taxi tông ngã, mà sau đó còn dựng nên một câu chuyện dài kỳ bẻ cong toàn bộ sự việc.
Nào là phủ nhận có chiếc xe đi vào trường, đến đổ lỗi cho cháu bé tự ngã khi chạy chơi, rồi khảo sát ý kiến với tỷ lệ 100% nói không có chiếc xe nào cả.
Những động thái quá hoành tráng kiểu "giết gà dùng dao mổ trâu" nhưng lại lộ liễu quá mức khiến người đời khó hiểu với các toan tính của bà cựu hiệu trưởng: Chẳng lẽ làm bấy nhiêu việc lại dễ dàng và đơn giản hơn nhận lỗi, nói một lời xin lỗi hay sao?
Thậm chí cả khi biết thương tích của cậu bé là rất nghiêm trọng, dường như bà ấy vẫn chẳng có chút cảm giác đau đớn xót xa nào, bởi toàn bộ màn kịch vụng về của bà vẫn được diễn cho tới hồi kết.
Cả guồng máy từ cao xuống thấp, cả dư luận xã hội và rất nhiều người trong cuộc, ngoài cuộc phải bỏ thời gian và sự chú ý để họp hành, tranh đấu, bưng bít, vạch trần, công kích, phòng thủ… quanh một sự việc vốn dĩ không quá lớn.
Cuối cùng lẽ phải cũng thắng. Vị hiệu trưởng nọ cùng người đồng lõa bị cách chức và còn tiếp tục bị điều tra. Cái chân gãy của cậu bé rồi cũng sẽ lành, có lẽ cả vết hằn trong đầu óc cậu cũng thế.
Những vết thương da thịt của trẻ con vốn vẫn mau lành lặn như sự hay quên của chúng. Và rồi như nhiều "vụ hot" khác, sự việc sẽ mau chóng bị cộng đồng mạng quên đi, chìm xuống như đá ném ao bèo.
Một lúc nào đó, sẽ lại có những đứa trẻ tử tế khác, những người lớn hèn nhát khác xuất hiện.
Người viết bài này cũng từng có lần lao xe máy vào đuôi một chiếc ôtô, làm vỡ tan đèn hậu.
Chỉ vì muốn không kém cỏi so với hai chú bé Hải Phòng kia, tôi đã "liều" dừng xe, gõ vào cửa kính gọi bác tài vẫn còn đang ngơ ngác, và cho anh biết tôi chính là thủ phạm vừa tông vỡ đèn xe của anh.
Tôi sẵn sàng tinh thần móc hết ví ra đền, khi thấy người tài xế bước xuống xe rồi săm soi kỹ cái đèn vỡ toang. Tôi biết anh xót xe, đương nhiên.
Thiệt hại tính ra tiền chắc chắn không ít. Hơn nữa thủ phạm không phải là một đứa trẻ. Chỉ là sau khi chần chừ đôi chút, anh tài xế bảo: "Thôi anh đi đi".
Nói ra một lời xin lỗi khi ta có lỗi, nghĩ thì rất khó, nhưng trẻ con còn làm được. Người lớn chúng ta ơi, cứ thử xem. Đôi khi mất ít tiền vẫn còn tốt hơn nhiều so với cãi cọ, đánh nhau, hay bỏ chạy.
Ít nhất thì cũng không mất chức Hiệu trưởng.