Tôi trượt phỏng vấn chỉ vì một câu hỏi đơn giản

Thảo Nguyên |

Bạn đừng nghĩ rằng, chỉ những câu hỏi hóc búa từ nhà tuyển dụng mới có thể khiến bạn không vượt qua vòng phỏng vấn. Sự thật là bạn nên dè chừng những câu đơn giản, bởi nó cũng là cách để họ có thể khai thác các vấn đề ngoài chuyên môn như tính cách, mối quan hệ xã hội của các ứng viên.

Đến tận bây giờ, khi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phỏng vấn công ty mới, tôi mới nhận ra lúc xưa mình trả lời phỏng vấn buồn cười và tệ hại ra sao.

Những lần tôi bị trượt, đều không phải do chuyên môn hay câu hỏi phỏng vấn khó, mà do tôi "quá tự nhiên", "quá thật thà", không đề phòng những câu hỏi ngỡ như rất đơn giản. Dưới đây, là những lần phỏng vấn "siêu nhớ đời" mà bạn có thể tham khảo.

Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Đơn giản quá phải không nào? Nghỉ việc vì lý do gì, chúng ta sẽ trình bày lý do đó. Thế là, tôi đã đem tất cả những uất ức trong lòng về công ty, đồng nghiệp, cấp trên và nói rành mạch với nhà tuyển dụng.

Từ việc công ty trễ lương, cấp trên hà khắc, giao việc quá nhiều, deadline gấp gáp… đều là những lý do khiến tôi chán nản và xin nghỉ. Họ tỏ ra rất chăm chú lắng nghe tôi giãi bày.

Khi kết thúc phỏng vấn, tôi cứ nghĩ mình sẽ được làm nhân viên của họ thôi, vì tôi nhận thấy mình có thể đáp ứng yêu cầu từ họ, hơn nữa tôi còn ăn nói thật thà, dễ mến thế kia. Nhưng không, tôi trượt.

Lý do là vì họ thấy tôi không thể cống hiến lâu dài cho công ty và có khả năng tôi sẽ nói xấu công ty của họ như tôi đã làm với công ty cũ.

Các bạn thấy đấy, thật thà quá cũng không tốt. Tôi cũng không hiểu vì sao khi đó tôi lại dùng những lời lẽ như thế để nói về một nơi đã tạo việc làm cho tôi suốt gần 2 năm.

Bởi nên, lời khuyên chân thành cho bạn nếu gặp câu hỏi này là: Hãy nói về định hướng phát triển của công ty không còn phù hợp; bạn mong phát triển bản thân hơn nữa nên tìm một môi trường làm việc mới…

Bạn đã có người yêu hoặc gia đình chưa?

Câu hỏi này cũng dễ đúng không, bạn lầm to rồi. Tôi đã nói với họ rằng hiện tại mình vẫn đang độc thân, nhưng trước đó cũng đã trải qua 2 mối tình. Họ đã hỏi lại tôi vì sao tôi và người yêu cũ lại chia tay. Thế là, đúng theo bạn nghĩ rồi đấy.

Tôi đã kể tình trường của mình với họ, từ lúc gặp nhau, yêu nhau rồi chia tay; từ lúc tôi gào thét, tả tơi đến khi tôi vực dậy và tình trạng hiện giờ tôi rất vui vẻ với những gì mình đang có. Rút kinh nghiệm, tôi đã không nói về điều tiêu cực của bất kỳ ai dù tôi có ghét họ. Nhưng tôi lại rớt phỏng vấn vì câu trả lời ấy.

Bạn biết không, trong câu chuyện tình tôi kể, họ nghĩ tôi là người quá cảm tính, có thể vì một chuyện nhỏ mà làm ảnh hưởng đến công việc. Hơn nữa, cách tôi trả lời phỏng vấn có phần quá tự nhiên, không phù hợp với văn hóa của công ty họ.

Vậy là, tôi đành tiếp tục xin việc ở nơi khác. Lời khuyên cho bạn là, hãy trả lời ngắn gọn những câu hỏi như thế này và phải luôn giữ thái độ phỏng vấn tiêu chuẩn nhất có thể, nếu không sẽ thất bại như tôi.

Tôi trượt phỏng vấn chỉ vì một câu hỏi đơn giản - Ảnh 1.

Các thành tích đã đạt được trong công việc?

Để chứng minh bản thân mình là một người có thực lực, giỏi chuyên môn, khi được hỏi như thế, tôi đã "show" tất cả những gì mình làm được. Một hợp đồng nhỏ, một bản báo cáo cuối năm, nhân viên xuất sắc tháng… tôi đều xem đó là thành tích đáng tự hào.

Ngoài ra, lợi nhuận mà tôi và team tôi mang về cũng kha khá, nên tôi hoàn toàn tự tin mình sẽ đậu phỏng vấn. Nhưng mà tôi lại trượt lần thứ n rồi.

Tôi nhận ra sai lầm mà tôi mắc phải cũng rất nhiều người giống tôi. Chúng ta thường không lựa chọn thành tích xứng đáng nhất, mà mải mê liệt kê. Nhà tuyển dụng cũng không phải muốn nghe điều đó, mà họ muốn thấy được quá trình bạn làm, cố gắng của bạn ra sao.

Một điều nữa, bạn đừng vội phũ bỏ những công sức bạn cống hiến khi làm việc team, hãy mạnh dạn cho họ biết công việc của bạn đã giúp ích ra sao và thu lợi ích gì. Như vậy họ sẽ có cái nhìn tích cực hơn về bạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại