Phương khóc khi nói về số tiền trang trải học phí đẫm mồ hôi công sức của mẹ - Ảnh: HÀ THANH
"Hay con đi làm công nhân mẹ nhé" - Bế Thị Minh Phương (18 tuổi, ở Cao Bằng) đề xuất với mẹ.
Bao năm bươn chải đủ nghề mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng, nhưng người mẹ quả quyết: "Đỗ rồi, con cố gắng học, mẹ cố gắng vay mượn rồi mẹ con mình trả dần, đến đâu hay đến đấy".
Được mẹ tiếp sức, cô gái người Tày một mình về thủ đô nhập học, nuôi ước mơ về một công việc trong tương lai để giúp mẹ trả nợ, thoát nghèo.
"Lên mạng đọc được thông tin về quỹ học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, tôi nhanh chóng viết đơn mong muốn anh chị, cô chú xem xét về hoàn cảnh gia đình tôi. Nếu được học bổng tiếp sức, tôi sẽ cố gắng làm sao để xứng đáng với học bổng, sẽ học tập thật tốt, thật chăm chỉ để vượt qua khó khăn ban đầu. Tôi sẽ dùng học bổng trang trải tiền học phí và tiền sinh hoạt hằng ngày một cách hợp lý nhất".
- Tân sinh viên BẾ THỊ MINH PHƯƠNG -
Nếu con còn bố…
Hoàn cảnh khó khăn không làm Phương chùn bước. Suốt 12 năm miệt mài đèn sách, cô luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền. Năm 2022, cô đoạt giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố môn lịch sử và giải khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phương đã trúng tuyển vào khoa Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tân sinh viên Bế Thị Minh Phương với ước mong theo đuổi con chữ để thoát nghèo - Ảnh: HÀ THANH
Hành trình rời bản làng xuống thủ đô học tập của Phương chẳng mấy dễ dàng. Để kiếm tiền cho con gái nhập học, bà Nguyễn Thị Oanh (mẹ Phương) phải chạy vạy khắp nơi, làm thuê đủ nghề.
Còn Phương cũng tranh thủ ngày hè đi nhặt ốc về bán kiếm tiền. Vừa qua cô còn xin làm nhân viên phục vụ tại quán trà sữa để kiếm thêm thu nhập. Cô gái cân nặng vỏn vẹn 40kg. Cả hai mẹ con quần quật làm ngày đêm cũng chỉ tích cóp được tiền học phí ban đầu cho Phương xuống thủ đô nhập học.
Những ngày qua, cô đều cuốc bộ đến trường vì vừa say xe không đi được xe buýt, cũng không đủ tiền mua chiếc xe đạp. Đến bữa ăn cũng chỉ bữa đói, bữa no để dè sẻn chi tiêu.
Phương dự tính ban đầu phải tập thích nghi, quen với đường sá, môi trường ở Hà Nội, sau này khi đã quen đường, cô sẽ đi kiếm việc làm thêm để trang trải thêm tiền học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ ở thủ đô.
"Tôi sợ nghèo"
18 năm qua, cuộc sống của cô gái người dân tộc Tày cũng chỉ xoay quanh bản làng hay ngôi trường theo học.
Mỗi dịp lễ Tết, bạn bè ai cũng được về thăm hai bên nội ngoại, nhưng hai chị em Phương không được đi đâu xa. Kể từ ngày bố mất, chiếc xe máy quá đát nằm im góc tường. Trong nhà mấy mẹ con không ai biết đi xe, lâu ngày không hoạt động chiếc xe trở nên hỏng hóc nhưng cũng chẳng có tiền để sửa sang lại.
Bố mất sớm, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đè lên đôi vai của người mẹ. Bà Oanh làm đủ nghề từ lam lũ trên đồng ruộng cho đến đi làm thuê, bốc vác, cấy thuê, đi lấy củi rồi tranh thủ đến mùa mía đường xin đi làm công nhân để trang trải cuộc sống hằng ngày, chăm sóc mẹ già và kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám, số tiền nợ ngày một nhiều lên, Phương nhớ mỗi lần bán heo xong là mẹ cầm theo cuốn sổ vay nợ để đi trả tiền hoặc hằng tháng người ta đến nhà để thu tiền lãi.
"Tôi thấy mẹ khổ quá, cuộc đời của mẹ phải lam lũ vất vả, làm quần quật ngày đêm dường như không có thời gian nghỉ ngơi, không bao giờ nghĩ cho riêng mình. Tôi sợ nghèo, tôi phải học để thoát nghèo, học để giúp mẹ trả nợ" - Phương quả quyết.
Còn bà Oanh không giấu được niềm vui và tự hào thấy con gái học hành giỏi giang như mong ước của người bố trước lúc ra đi. Người mẹ trải lòng suốt bao nhiêu năm qua bà chỉ nhìn vào hai đứa con để sống, vất vả đến mấy cũng ráng chịu được, chỉ mong hai con được ăn học nên người, làm sao cho con được bằng bạn bằng bè.
"Vất vả mấy tôi cũng làm, vay mượn đến mấy tôi cũng vay. Nay biết có quỹ học bổng Tiếp sức đến trường , nếu con có tiền học bổng thì quý hóa quá, tôi chẳng dám mong gì hơn nữa" - bà Oanh cho hay.
Hiện tại tân sinh viên Bế Thị Minh Phương mong muốn sẽ theo đuổi ngành Trung Quốc học với ước mơ sau này có thể quay về góp sức cho quê hương, cho bản làng biên giới nơi cô sinh sống.
"Học xong, tôi sẽ cố gắng kiếm một công việc thật tốt để phát triển bản thân. Sau này nếu có điều kiện tôi sẽ về phát triển cho quê hương, góp sức giúp bản làng. Tôi cũng rất muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, cũng bởi mỗi lần ra đường thấy hoàn cảnh khó khăn tôi đều thấy buồn, thấy đồng cảm với họ và như thấy hình ảnh của mình trong đó" - Phương bày tỏ.