"Tôi phẫn nộ, nhưng tôi lại đang xót xa cho nghề giáo"

Hoàng Anh Tú |

Có người cha, người mẹ nào không thắt lòng và phẫn nộ khi xem clip cô giáo mầm non Sen Vàng bạo hành những đứa trẻ bé xíu xiu thế không?

Những comment cứa như dao

Có người cha, người mẹ nào không sợ hãi và phẫn uất khi đọc tâm thư của em học sinh trường Phan Đình Phùng bị bỏng không?

Có người cha, người mẹ nào không nổi khùng nộ khí xung thiên với cách trả lời quanh co, nguỵ tạo bằng chứng bằng phiếu khảo sát lẫn tâm thư giáo viên của bà hiệu trưởng lắm chiêu Tạ Thị Bích Ngọc?

Và trước liên tiếp những vệt đen xấu xí ấy, bức tranh về giáo dục, đặc biệt là với những nhà quản lý giáo dục, đang trở thành những ấn tượng tiêu cực lớn trong con mắt người dân.

Tôi cũng là một người cha có đến 3 đứa con đang tuổi đi học. Những ngày qua, tôi kìm lòng không share bất cứ một link nào về 3 trong số rất nhiều vụ việc trên.

Không phải vì sợ động chạm và chắc chắn là tôi không có ý bênh vực họ.

Chỉ là tôi sợ phải đọc được những comment của rất nhiều bậc cha mẹ nóng nảy. Những comment có thể cứa bật máu bất cứ trái tim thầy cô nào.

Những comment có thể giết chết bất cứ một lòng kính yêu nào dành cho nghề giáo. Và nó đủ sức để huỷ hoại lòng yêu nghề của nhiều giáo viên.

Đừng hất đổ cả nồi canh

Chúng ta luôn có lý do chính đáng để buông đủ mọi lời nhận xét, đánh giá, phán quyết về giáo dục Việt Nam.

Tôi phẫn nộ, nhưng tôi lại đang xót xa cho nghề giáo - Ảnh 1.

Tuồng như không gì dễ bằng việc "ném đá" giáo dục Việt Nam. Các cha mẹ cứ nghĩ lại mà xem, chưa cần hết đến một nốt nhạc, nhiều người đã có thể chơi cả bài trường ca về những điều xấu xí của giáo dục, của những người thầy, người cô.

Nhưng từ từ đã nào, hãy nhớ cho giùm, có bao nhiêu giáo viên tệ trong số 1,3 triệu giáo viên đang hành nghề hiện nay (số liệu tạm thấy trong thống kê về giáo dục Việt Nam 2015)?

Những con sâu đang bỏ rầu nồi canh có đáng để các cha các mẹ hất đổ cả nồi canh đó đi không?

Và nếu với cái đà "ném đá" như hiện nay, đến năm bao nhiêu thì nghề giáo sẽ biến mất vì không một ai dám làm giáo viên nữa? Chứ như bây giờ, hẳn là nghề giáo là nghề… nguy hiểm nhất rồi!

Tôi không bênh vực và tuyệt đối không có ý định nói ngược lại số đông để thể hiện bản thân mình là người có chính kiến.

Tôi đồng thuận, thậm chí còn phẫn nộ nếu như các cô giáo trường mầm non Sen Vàng, ban giám hiệu trường Phan Đình Phùng và cô hiệu trưởng lắm chiêu Tạ Thị Bích Ngọc chỉ bị kỷ luật nhẹ nhàng răn đe vừa phải.

Tôi hoàn toàn đồng ý là loại bỏ họ ra khỏi ngành giáo dục, cấm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bởi tôi cũng như nhiều cha mẹ khác đều còn ít nhiều hy vọng, còn ít nhiều lòng tin vào 1,3 triệu giáo viên.

Lũ trẻ nhạy cảm vô cùng

Nói như cô Vũ Thị Mừng, giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên, một trong số 18 giáo viên lên tiếng về vị hiệu trưởng lắm chiêu của mình: "Sự việc xảy ra khiến chúng tôi rất buồn, nhiều giáo viên không tự tin đến trường vì cảm thấy như danh dự của mình bị hạ thấp trong môi trường giáo dục. Với lương tâm của một nhà giáo, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn.

Đây không chỉ danh dự của cá nhân mà cả trường bị ảnh hưởng khiến chúng tôi rất xấu hổ. Vì thế, tôi rất mong sự thật này được làm rõ để có môi trường trong sạch".

Tôi mong sự xấu hổ này được nhân rộng trong số 1,3 triệu giáo viên. Để không chỉ phụ huynh, các cơ quan quản lý giáo dục giám sát chất lượng giáo dục mà còn cần cả chính các giáo viên cũng tham gia gìn giữ lòng tin vào giáo dục.

Và trước hết, điều mà các cha mẹ cần phải làm trong lúc này không phải là rủa xả, mắng mỏ, lên án, phán quyết những giáo viên thoái hoá, biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vô cảm hay gian dối.

Tôi nghĩ là các phụ huynh hãy dành tặng lại cho 1,3 triệu giáo viên còn lại một lòng tin. Như tôi vẫn nói rằng: Làm sao thầy cô dạy được học trò nếu như cha mẹ chúng không tin vào thầy cô?

Lũ trẻ nhạy cảm vô cùng. Nếu cha mẹ chúng không tin vào thầy cô thì lấy gì để lũ trẻ tin và tôn trọng thầy cô của mình?

Giữa một xã hội mà chỉ một thay đổi nhỏ về giáo dục cũng có thể tạo thành cơn địa chấn, một lời phê sai cũng thành đề tài báo chí khai thác, một hành động vô tình có thể bị gắn mác "hồi chuông cảnh tỉnh", một giáo viên sai có thể thành nghề giáo viên bạc... thì lòng tin của phụ huynh thực sự là món quà đắt giá nhất dành cho các thày cô.

Từ việc ứng trước lòng tin ấy, phụ huynh cần thấy "lãi" ngay bằng trách nhiệm của thày cô thể hiện trở lại.

Là trách nhiệm chứ không phải nghĩa vụ. Trách nhiệm của một con người được tin tưởng chứ không cần đến trách nhiệm của một giáo viên với những thành tích trước Sở, Bộ hay những thứ bằng khen này nọ.

Tin vào thày cô đang trực tiếp dạy con mình! Đừng để sự nghi ngờ bóp chết lòng yêu trẻ, yêu nghề của các thày cô.

Ứng một lòng tin để nhận về sự tận hiến, trách nhiệm và cả lòng biết ơn của chính thày cô với sự phối hợp, giúp đỡ này. Để tạo ra tam giác bền vững giữa Học Trò với Thày Cô- Con cái với Cha Mẹ- Thày Cô với Cha Mẹ. Bất cứ một cạnh nào trong tam giác này khuyết cũng sẽ dẫn đến việc thất bại trong giáo dục hôm nay.

Và cuối cùng, dưới ánh mặt trời, mọi thứ đều không thể che giấu được. Bất cứ một điều xấu xa nào rồi cũng bị lộ diện dưới ánh mặt trời.

Chỉ cần một share cả triệu người biết. Chẳng ai một tay che nổi bầu trời. Làm ơn, hãy trung thực để sai thì sửa, đúng thì làm.

Có tôn trọng sự thật thì sẽ nhận lại được sự trân trọng và lòng tin. Và làm ơn, đừng ai hiểu sai câu: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại