Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, tội phạm ma túy liên tục thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, gia tăng quy mô, tính chất phạm tội; địa bàn rộng và mang tính quốc tế cao hơn; đồng thời gắn kết ngày càng chặt chẽ với các loại tội phạm khác.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 khẳng định, những kẻ chủ mưu, cầm đầu tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
PV : Thưa Thiếu tướng, thời gian qua, chúng ta liên tục phát hiện, bắt giữ đường dây ma túy lớn, thậm chí có những đường dây lên đến còn số hơn 1 tấn. Vì sao lại như vậy?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện : Có thể nói, công tác phòng, chống ma túy là lâu dài. Hiện nay, chúng ta hội nhập càng ngày càng sâu rộng với thế giới và các nước. Theo đó, các loại tội phạm cũng có sự giao thoa và dịch chuyển.
Cùng với đó, cơ chế thông thoáng về hải quan, hàng không, trên biển, kể cả quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, đường bộ. Từ đó, tội phạm ma túy cũng lợi dụng chính sách thông thoáng về phát triển kinh tế để phạm tội.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, không chỉ chúng ta, mà các nước láng giềng, đặc biệt là các nước như Nam Mỹ cũng có những đường dây vận chuyển ma túy theo đường biển với số lượng rất lớn.
Gần đây, chúng ta bắt giữ nhiều đường dây ma túy lớn, có những đường dây điển hình như bắt trùm ma túy “Oanh Hà”. Tất nhiên, với chuyên án này chúng tôi đã phải theo dõi trong một thời gian rất dài để phát hiện, đến lúc phát hiện chúng đã vận chuyển trên 1,6 tấn ma túy.
Có nhiều vụ án, đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng ngoại phạm, chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những sơ hở của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát ....
PV : Cách thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng thay đổi, điều này có đặt ra thách thức gì đối với các đơn vị điều tra phá án không thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện : Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm và với “siêu lợi nhuận”, tội phạm ma túy dùng nguồn tiền này để mua các thiết bị liên quan đến công nghệ phục vụ cho việc buôn bán.
Cụ thể, những kẻ chủ mưu, cầm đầu tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.
Trong các vụ án này, các ông trùm, bà trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây. Do có sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên những kẻ này không cần ra mặt chỉ đạo trực tiếp, ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ.
Đây cũng là một thực tế, các đối tượng cầm đầu đường dây không bao giờ ra mặt chỉ đạo, không trực tiếp đi giao hàng. Đối tượng đi giao hàng chủ yếu là chân rết và những người dân không hiểu biết về pháp luật, và được thuê để vận chuyển.
Công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng đó là hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, wechat, Signal... Trùm đường dây ma tuý còn sử dụng sim số điện thoại nước ngoài như của Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.
Ngoài ra, các thủ đoạn khác của tội phạm ma tuý là dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước, sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...).
Tội phạm dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng video call chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi người quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh như: Mưu, Ốc, Vít, Mẩy, Khẹc, Tép, Búa, Kìm...., để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện,…
Trước tình hình đó, lực lượng chuyên trách chống tội phạm ma túy phải luôn luôn cập nhật, đặc biệt phải có những kiến thức, nhất là giỏi về công nghệ để áp dụng phòng chống ma túy có hiệu quả.
Ma túy đội lốt thực phẩm chức năng tuồn về Việt Nam
PV : Trước thực tế nêu trên, được biết, gần đây Bộ Công an có đặt ra một kế hoạch trong đấu tranh với các loại tội phạm, đó là “đấu tranh không biên giới”. Thiếu tướng có thể cung cấp thông tin về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện : Có thể nói, Liên Hợp Quốc có quan điểm chỉ đạo, các nước trên thế giới đều phải tập trung chống ma túy, tương tự như chống khủng bố, và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài được.
Việt Nam chúng ta cũng vậy, chúng ta đã hội nhập quốc tế lâu, và hội nhập rất sâu rộng. Chống từ xa, từ bên kia biên giới, trước hết, từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là tuyến gần nhất, đặc biệt với Campuchia với đường biên rất dài, Lào nhiều đường mòn, lối mở. Đây cùng là hai nước lớn gần tam giác vàng.
Đối với Lào, Bộ Công an cũng đã có Biên bản ghi nhớ giữa hai đồng chí Bộ trưởng. Theo đó, Bộ Công an cũng đã có kế hoạch 376 triển khai rất sâu trong hai năm gần đây với 10 tỉnh có đường biên giới với Lào, các tỉnh Tây Bắc, và Bắc miền Trung, Tây Nguyên.
Hai là, đối với Cục C04, đã cử rất nhiều đoàn sang nước bạn khảo sát và xác lập chuyên án đấu tranh chung để thực hiện bắt, truy nã và ngăn chặn tội phạm từ bên kia biên giới. Campuchia, Trung Quốc cũng có chuyên án chung như vậy.
Còn tuyến đường hàng không, hiện nay tội phạm ma túy, có dấu hiệu lợi dụng đường chuyển phát nhanh, đưa vào hàng hóa, vận chuyển từ các nước Đông Âu. Chúng tôi đã có buổi làm việc với Hải quan và có những biên bản, thống nhất quan điểm chỉ đạo, ngăn chặn, và xử lý loại tội phạm này. Đối với đường biển cũng vậy.
Tuy nhiên, đối với đường biển có khó khăn hơn. Bởi, đường biển chúng ta rất rộng lớn, và các hoạt động ngoài biển rất tinh vi. Có thể nói, có những đối tượng thả ma túy, gắn định vị, sau đó theo hướng gió, hướng nước chảy sau đó có thông tin cho các đối tượng trên bờ địa điểm ma túy được giao. Thủ đoạn này chúng ta rất cố gắng để đấu tranh, triệt phá.
PV : Thời gian gần đây, C04 cũng cảnh báo, xuất hiện việc vận chuyển nhiều loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó ma túy được pha trộn với nhau và với bột phụ gia, hương liệu để đóng gói thành các gói thành phẩm và nhắm tới người sử dụng là thanh thiếu niên. Vậy chúng ta phải làm thế nào để bảo vệ được giới trẻ trước tác động của ma túy, thưa Cục trưởng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện : Tthời gian vừa qua, chúng ta cũng biết được giới trẻ hiện nay, do tâm sinh lý, do tò mò muốn tìm hiểu cái mới, bị lôi kéo, thậm chí là cho rằng mình sành điệu nên không ngại thử sử dụng các chất có lên quan đến ma túy.
Ví dụ như “bóng cười”- nó chưa được coi là ma túy, nhưng dùng vào gây ảo giác. Thứ hai, thuốc lá điện tử và ma túy được tẩm vào đồ ăn thức uống. Những cái này, đang rất gây khó khăn cho công tác phòng chống.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, giải pháp rất quan trọng, đó là chúng tôi phối hợp Đoàn Thanh niên, cấp ủy chính quyền, …đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên truyền từ học sinh, sinh viên, đến cấp cơ sở, cấp xã
Thứ hai, phối hợp tốt với các đơn vị chuyên trách, kể cả quản lý thị trường, y tế, công an cơ sở,… phát hiện, tố giác, bắt giữ, xử lý. Nếu trường hợp nào chưa xử lý theo pháp luật được, thì có chế tài xử lý. Đối với quản lý thị trường thì tiêu hủy, hoặc tìm ra nguồn nhập khẩu trái phép để lý tội danh khác.
PV : Xin cảm ơn Thiếu tướng!