Tội phạm dời công xưởng ma túy đá vào khu tam giác vàng

NGỌC BẢO |

Tội phạm ma túy Trung Quốc chuyển giao công nghệ sản xuất ma túy đá sang Lào và Việt Nam. Trong nước, sản xuất ma túy đang gia tăng trở lại.

Năm 2017 lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt phá hàng chục đường dây tách chiết, sản xuất ma túy tổng hợp. Trong đó có vụ triệt phá đường dây tách chiết ma túy từ thuốc thú y nhập khẩu.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2017 của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy do Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) tổ chức ngày 25-1 tại Hà Nội.

Sản xuất ma túy tổng hợp tăng trở lại

Theo C47, số vụ sản xuất trái phép các chất ma túy trong nước có dấu hiệu gia tăng trở lại. Trong năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt phá hàng chục đường dây tách chiết, sản xuất ma túy tổng hợp .

Trong đó có vụ triệt phá đường dây tách chiết ma túy từ thuốc thú y nhập khẩu. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Ngoài ra có vụ triệt phá một đường dây sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM do Trần Ngọc Hiếu (tức Văn Kính Dương, ở Hà Nội) cầm đầu.

Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng C47, cho biết tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp tại các nhà hàng, quán bar diễn biến hết sức phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, TP lớn.

Năm qua, lực lượng công an cũng phối hợp với các đơn vị phá thành công nhiều tụ điểm sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke…

Trong đó việc quản lý tiền chất của Việt Nam đang còn rất nhiều khó khăn. Trên mạng có những trang hướng dẫn công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp và tội phạm ở trong nước hình thành một số tụ điểm sản xuất.

“Sản xuất ma túy tổng hợp trong nước là chủ đề chúng tôi phải quan tâm. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ sẽ bổ sung một số tiền chất vào danh mục quản lý, nhất là phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt tiền chất ma túy.

Về phía chúng tôi sẽ nắm chắc việc xuất hiện các loại ma túy tổng hợp mới, đi sâu vào công tác nghiệp vụ, sớm phát hiện các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp…” - Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm Cục trưởng C47, nói.

Bên cạnh đó, để phòng chống hiệu quả ma túy cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Cần thường xuyên tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, trong nhà trường, từng gia đình, nhất là giới trẻ về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp để không sa ngã vào loại ma dược nguy hiểm này.

Ma túy từ Lào , Campuchia vào Việt Nam tăng cao

Trung tướng Đồng Đại Lộc cho biết tình trạng mua bán, sử dụng và sản xuất ma túy tổng hợp trong nước diễn biến phức tạp, phần lớn ma túy tổng hợp được đưa từ bên ngoài vào Việt Nam, gần đây là ma túy tổng hợp được đưa từ Lào và Campuchia vào Việt Nam.

“Do chúng ta làm rất mạnh, nhất là gần đây Trung Quốc chuyển giao công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp cho Lào, Việt Nam nên đường đi của ma túy tổng hợp đã thay đổi” - ông Lộc nói.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết trong năm vừa qua Trung Quốc tăng cường hoạt động kiểm soát, triệt phá các công xưởng sản xuất ma túy sát biên giới làm giảm lượng cung ma túy tổng hợp vào Việt Nam .

Tuy nhiên, chặn được tuyến biên giới Việt-Trung thì tiềm ẩn tuyến biên giới Việt-Lào và Việt-Campuchia. Lượng heroin và ma túy tổng hợp vận chuyển qua hai tuyến này tăng đột biến.

Số lượng ma túy thu được tăng gấp đôi so với năm 2016. “Hiện công nghệ sản xuất ma túy đá giá rẻ từ Trung Quốc đã được chuyển sang khu vực Tam giác vàng.

Trước đây 1 kg ma túy tổng hợp ở khu vực này có giá 600-700 triệu đồng thì nay giảm chỉ còn 120 triệu đồng. Dọc phía bên kia biên giới hình thành nhiều xưởng sản xuất ma túy tổng hợp số lượng rất lớn” - ông Hiệp nói.

Dọc tuyến biên giới Việt-Lào còn tồn tại nhiều điểm nóng phức tạp về ma túy như các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã của Sơn La; huyện Điện Biên Đông của Điện Biên; huyện Mường Lát, Quan Hóa của Thanh Hóa; huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn của Nghệ An…

Trên tuyến biên giới Việt-Trung, địa bàn trọng điểm là khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh.

Trên tuyến biên giới Việt- Campuchia , các đối tượng trốn truy nã người Việt Nam móc nối với người Campuchia thường xuyên mua bán, vận chuyển về TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiêu thụ, thậm chí chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Nhiều đường dây bị triệt phá nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Tuyến hàng không, đường biển vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là trên tuyến đường biển, các lực lượng chức năng có trách nhiệm phòng, chống ma túy trên tuyến này còn nhiều hạn chế nên điều tra bắt giữ rất khó khăn, chưa hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng C47, cho biết Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an để báo cáo Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT quản lý các loại thuốc thú y mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp. Hiện nay trong danh mục các chất ma túy và tiền chất chưa có danh mục các chất có trong thuốc thú y mà C47 vừa triệt phá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại