Những động thái của Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc đánh dấu một sự leo thang trong "nỗ lực" của chính quyền Mỹ nhằm đẩy lùi các công ty công nghệ Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp toàn cầu phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo ông Alex Capri, nhà nghiên cứu của Hinrich Foundation kiêm chuyên gia cao cấp và giảng viên của Đại học Quốc gia Singapore, các quan chức Mỹ đang đưa ra thêm những “phàn nàn” đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Mỹ đang tập trung nhắm vào ngành công nghệ của Trung Quốc.
Không giống như ByteDance (công ty mẹ của Tiktok) hay Huawei, Alibaba không thu được nhiều thành công khi mở rộng hoạt động sang các thị trường ở phương Tây. Tuy vậy, theo ông Capri, việc đây là một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có thể là lý do đủ để Mỹ nhắm vào Alibaba.
Alibaba hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hay tuyên bố áp dụng đối với các công ty công nghệ khác. Thậm chí ông Trump còn gọi nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma là “một người bạn” khi vị tỷ phú Trung Quốc này cho biết sẽ viện trợ các trang thiết bị, vật tư cần thiết cho phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy vậy, các quan chức Mỹ đang “để mắt” tới Alibaba. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc tới Alibaba hồi tuần trước khi ông hối thúc các doanh nghiệp Mỹ gỡ các công nghệ “không đáng tin cậy” của Trung Quốc ra khỏi các mạng kỹ thuật số của họ.
Theo ông Pompeo, Mỹ mong muốn bảo vệ các thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của người dân Mỹ cũng như tài sản trí tuệ giá trị nhất của giới doanh nghiệp nước này, trong đó có các nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19, để chúng không bị tiếp cận trên các hệ thống dựa trên điện toán đám mây do các doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba và Tencent vận hành.