Gần 3 tuần sau khi bất ngờ cắt quan hệ ngoại giao, đóng cửa biên giới, phong toả và cô lập Qatar, bốn nước Ả rập Xê út, Bahrain, Ai Cập và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, thông qua Kuwait đã gửi tối hậu thư 13 điểm tới Qatar, cho vương triều nhỏ nhưng giàu, đồng thời là thành viên tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh thời gian 10 ngày để thực hiện.
Nếu không đáp ứng, Qatar sẽ bị "tuyệt giao" như tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Anwar Gargash. Ông Gargash còn coi Qatar như "con ngựa thành Troia" và phê phán Qatar cung cấp danh sách 13 điều kiện này cho giới báo chí làm tổn hại đến vai trò trung gian hoà giải của Kuwait.
Chiều ngày 23.6, Bộ ngoại giao Qatar cho biết vương quốc này đang nghiên cứu những điều kiện của "các nước phong toả và Ai Cập" và sẽ có phản ứng thích hợp.
Những điều kiện khó lòng chấp nhận
Không ở đâu thể hiện rõ hơn mục đích của 4 nước đối địch Qatar bằng điều 11 trong danh sách 13 điều kiện này. Ở đó ghi rõ là Qatar phải đi theo đường lối chính trị, quân sự, xã hội và kinh tế của các nước vùng Vịnh và Ả rập. Ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy bút tích viết tay của Ả rập Xê út và Ai Cập ở đây.
Cứ theo những gì đã được Qatar thể hiện thì trong danh sách ấy có những điều kiện mà Qatar không thể chấp nhận và đáp ứng nổi. Điều kiện số 11 nói trên đâu có khác gì bắt Qatar phải từ bỏ chính sách đối nội và đối ngoại riêng, tức là từ bỏ chủ quyền quốc gia.
Hay như việc 4 nước đòi Qatar phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và chấm dứt hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đều là những chuyện từ không khả thi đến rất khó khả thi đối với Qatar.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ ở Qatar. Ảnh: Reuters
Qatar và Iran đã từ lâu nay hợp tác khai thác chung khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới. Chuyện hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giúp Qatar bảo vệ an ninh quốc gia mà còn là cách để cả hai nước gây dựng vai trò chính trị an ninh khu vực.
Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trước đây thì có thể không nhưng hiện tại có tầm quan trọng đối với Qatar không kém gì mấy so với căn cứ quân sự của Mỹ ở Qatar - mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ ở đó chỉ có 100 lính và mới bổ sung thêm 25. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai nước đã nhiệt tình và hiệu quả giúp Qatar giải quyết khó khăn về lương thực, thực phẩm trong những ngày vừa qua.
Hay như 4 nước kia đặt điều kiện là Qatar phải đóng cửa hãng truyền hình và truyền thông Al Jazeera cũng rất khó có thể được Qatar đáp ứng vì là chuyện thể diện của Qatar và vì tầm ảnh hưởng rất rộng lớn của hãng này trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo.
Ngoài ra còn nhiều điều kiện khác nữa đều thuộc diện không thể hoặc rất khó có thể được Qatar chấp nhận.
Qatar trước lựa chọn: Phụ thuộc hay bị đối đầu
Bốn nước kia xem ra hiện đang quyết chí khuất phục hoàn toàn và thuần phục lâu dài Qatar, kiểm soát hoàn toàn vương triều này về mọi phương diện và không để cho Qatar dịch chuyển theo quỹ đạo riêng.
Họ đặt Qatar trước sự lựa chọn giữa theo họ và bị họ chống đối đến cùng, giữa phụ thuộc và bị đối đầu. Đối với 4 nước này, việc trừng phạt và thu phục Qatar còn quan trọng hơn cả việc duy trì tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ thế giới Hồi giáo và thế giới Ả rập.
Tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong một phiên họp.
Qatar hiện bị đẩy vào tình thế khó khăn và khó xử, dù vậy chắc chắn không thể đáp ứng đầy đủ tối hậu thư kia.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Qatar sẽ chấp nhận một vài điều kiện và bác bỏ những điều kiện còn lại để tranh thủ dư luận và có thêm thời gian, để thể hiện thiện chí hoà giải nhưng đồng thời cả bản lĩnh độc lập, đồng thời để vận động các đối tác bên ngoài, trong đó đặc biệt là Mỹ và EU, tác động và gây áp lực buộc 4 nước kia phải bớt quá đáng với mình.
Qua những biểu hiện thái độ đầu tiên cho thấy Mỹ không đứng hẳn về bên nào - và chỉ như vậy cũng đã có lợi cho Qatar - còn EU không đồng tình với 4 nước kia. Trong cuộc đấu bốn chọi một này, Qatar gặp khó và không thể tránh khỏi bị thiệt hại, nhưng sẽ không bị đánh quỵ.
Với tối hậu thư như thế, 4 nước kia đã thách thức cả những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không áp đặt quan điểm chính sách, không ỷ mạnh ép yếu, không dựa số đông chèn át số ít.
Theo những nguyên tắc cơ bản ấy, quốc gia này không được bắt ép quốc gia khác phải cắt đứt quan hệ ngoại giao hay quan hệ hợp tác với quốc gia thứ ba, không được buộc quốc gia khác phải tuân thủ đường lối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.
Cũng vì thế mà chắc chắn sẽ chỉ có rất ít đồng minh và đối tác của 4 nước ủng hộ tối hậu thư của họ đối với Qatar. Đại đa số các quốc gia sẽ không ủng hộ cũng vì quan hệ của họ với Qatar nhưng trước hết vì họ phải bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế.