Chiều 11-7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa sẽ trả lời nhiều vấn đề "nóng" mà nhân dân, cử tri quan tâm.
Ông Lê Sỹ Nghiêm (đứng), Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa đăng đàn trả lời chất vấn
Đăng đàn trả lời chất vấn trước về thực trạng dự án đầu tư chậm tiến độ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện nay trên địa bàn có 339 dự án không đầu tư dự án, hoặc đầu tư chậm tiến độ (chiếm 10,5% dự án được giao đất), trong đó có 18 dự án không triển khai dự án, không sử dụng đất liên tục trong thời gian 12 tháng; có 321 chậm tiến độ đầu tư, trong đó có 156 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.
Ông Nghiêm cũng đã phân tích, làm rõ nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, quá hạn. Về trách nhiệm để dự án chậm tiến độ theo ông Nghiêm do nhà đầu tư, bên cạnh đó có một phần lỗi của một số sở, ngành và UBND cấp huyện.
Về vấn đề cấp GCNQSDĐ, ông Nghiêm cho biết từ ngày 1-1-2023, Sở TN-MT đã tiếp nhận 256 hồ sơ doanh nghiệp, đã giải quyết 213 hồ sơ, trả lại, xin rút 33 hồ sơ; đối với hộ gia đình cá nhân đã tiếp nhận trên 325 ngàn bộ hồ sơ, trong đó giải quyết 308 ngàn, đang giải quyết trên 8.000 hồ sơ, trả lại trên 8.000 hồ sơ…
Đại biểu Đinh Ngọc Thúy, tổ đại biểu huyện Nông Cống đặt câu hỏi chất vấn
Tại phiên chất vấn Sở TN-MT, đã có 11 ý kiến tập trung vào 3 vấn đề chính là dự án chậm tiến độ, vấn đề nhũng nhiễu, tiêu cực khi cấp GCNQSDĐ và việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm.
Đặc biệt, đại biểu Hoàng Anh Tuấn, tổ đại biểu huyện Hậu Lộc còn cho rằng kỳ họp HĐND tỉnh kỳ trước (tháng 6-2022) có 60 dự án thuê đất chậm tiến độ (quá 24 tháng, vi phạm luật đất đai), nhưng đến kỳ này đã tăng lên gần 156 dự án chậm tiến độ, trong khi chưa có dự án nào bị thu hồi.
Về việc này, ông Nghiêm cho biết nguyên nhân các dự án tới giờ mới chậm 24 tháng là vì những dự án được chấp thuận từ 2014-2015, chủ đầu tư thực hiện theo tiến độ chấp thuận, sau đó được kéo dài 24 tháng, nếu quá thời mới được xem là vi phạm. "Dự án chậm tiến độ tăng cao từ 60 lên 156 là do thời điểm trước tỉnh có 247 dự án chậm tiến độ chưa quá 24 tháng, đến thời điểm này rà soát có hơn 100 dự án chuyển sang"- ông Nghiêm nêu.
Trong khi những dự án từ thời điểm vi phạm cho đến khi ra quyết định kéo dài hơn 1 năm, ông Nghiêm cho rằng kể từ khi thanh tra tại thực địa cho đến khi ra văn bản báo cáo tỉnh thời gian kéo dài, nguyên nhân do Sở TN-MT ban hành kết luật thanh tra chậm, ngoài ra các dự án có nhiều vi phạm nên phải xin ý kiến nhiều sở, ngành.
Đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi
Trong quá trình trả lời chất vấn, do không thấy Giám đốc Sở TN-MT nhắc tới vấn đề người dân phản ánh việc đi làm thủ tục bị gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - Chủ tọa kỳ họp đã yêu cầu ông Nghiêm làm rõ việc này.
Ông Đỗ Trọng Hưng cho biết cách đây không lâu, cử tri Đặng Ngọc Vinh, thương binh nặng, hơn 80 tuổi ở TP Sầm Sơn lên tận nhà ông phản ánh việc đất đai của gia đình. "Sau đó, tôi yêu cầu rà soát lại xem thế nào thì Chủ tịch TP Sầm Sơn báo cáo trường hợp này cấp đất là hoàn toàn đúng đắn, không vướng gì, nhưng Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn làm việc không tận tâm, tận lực, quan liêu… Tôi đề nghị anh Nghiêm làm rõ việc này"- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu vấn đề.
Trước những câu hỏi của đại biểu và chủ tọa kỳ họp, ông Nghiêm thừa nhận vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, xảy ra ở nhiều khâu từ xã phường, chi nhánh đăng ký đất đai, rồi Phòng TN-MT cấp huyện.
Đại biểu Vũ Thị Huyền, tổ đại biểu thị xã Nghi Sơn phát biểu
"Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được 149 đơn gửi về sở, và nhiều thông tin từ báo chí, hoặc phản ánh qua điện thoại về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Sở đã buộc thôi việc 1 viên chức, cảnh cáo 3 viên chức (trong đó có 1 lãnh đạo) và khiển trách 5 người (trong đó có 1 lãnh đạo)"- ông Nghiêm nói.
Để ngăn chặn việc này, về lâu dài theo ông Nghiêm việc cấp đất ở cần làm theo kế hoạch từng thôn, xã thì việc công khai, minh bạch dễ dàng, hạn chế tối đa tiêu cực.