Trước nhiều thông tin thương lái Trung Quốc ngưng mua khiến trái thanh long rớt giá, trong khi theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM với cánh tài xế chuyên chạy hàng trái cây đông lạnh sang Trung Quốc, họ cho hay vẫn đều đặn quay vòng chở loại trái cây này sang cửa khẩu Tân Thanh cho các chủ hàng Trung Quốc.
Anh Nguyễn Mạnh cho hay trung bình mỗi tháng anh có ba chuyến quay vòng chở thanh long từ Bình Thuận và thị trấn Tầm Vụ (huyện Châu Thành, Long An) sang Trung Quốc.
Theo anh Mạnh, ngoài vựa thanh long tại Bình Thuận thì các tỉnh miền Tây cũng phát triển mạnh loại trái cây này nên hàng có quanh năm xuất sang Trung Quốc.
Còn chiều ngược lại từ Trung Quốc về Việt Nam gồm nhiều loại trái cây như nho, táo, tỏi, hành… chứ chưa hề có chuyến nào chở trái thanh long xuất ngược về nội địa.
“Nhiều năm, cánh tài xế chúng tôi chủ yếu chở trái thanh long xuất sang Trung Quốc, tùy thời điểm mà tốc độ xuống hàng tại các cửa khẩu nhanh hay chậm, nhanh thì 1-2 ngày là xuống hàng xong, còn chậm thì chờ 3-4 ngày" - anh Mạnh kể.
Thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP được doanh nghiệp thu vào 30.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mekong Herbal tại TP.HCM, lý giải có nhiều nguyên nhân khiến trái thanh long bị “lao đao” thời gian qua dù sản lượng cung ứng thị trường trong và ngoài nước vẫn diễn ra khá trái chiều.
Trong đó bao gồm diện tích trồng trái cây này phát triển nóng và chất lượng sản phẩm không đồng nhất, dẫn đến tình trạng giá cả chênh nhau hàng chục nghìn đồng/kg.
Cụ thể, nhu cầu thanh long tươi xuất khẩu vẫn khá lớn, đi theo nhiều đường khác nhau, tùy chất lượng lô hàng đó đến thị trường nào. Cụ thể, với thanh long sạch đóng thùng nguyên trái trên 10 tấn/lô, các công ty thường đi đường biển, lô hàng 1 tấn thường chuyển đường hàng không, chứ không hẳn chỉ theo đường bộ truyền thống qua Trung Quốc.
Theo ông An, ngoài thanh long nguyên trái đóng thùng, các công ty còn xay nhuyễn trái thanh long đóng gói để xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, sản phẩm này đòi hỏi rất khắt khe và chi phí cao, cùng đó giá bán cao.
"Để có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn vào siêu thị và xuất sang thị trường Mỹ, Úc... chúng tôi phải vào tận vườn để kiểm nghiệm thực tế, có vườn vừa bước vào muốn xỉu do bà con xịt thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng ngược lại, nhiều vườn thanh long bà con chú trọng chất lượng vẫn luôn bán giá cao" - ông An kể.
Ngoài chiếu xạ, đóng thùng xuất khẩu nguyên trái, các công ty còn xay nhuyễn thanh long đóng hộp xuất khẩu sang châu Âu với giá cao.
Cụ thể, vườn thanh long tiêu chuẩn VietGAP giá mua vào 30.000 đồng, còn thanh long organic đạt chứng chỉ GlobalG.A.P giá xuất khẩu 90.000-120.000 đồng/kg. Còn giá vườn trồng đại trà, giá thu vào 2.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thanh long Thái Lan tiêu chuẩn GlobalG.A.P giá luôn 120.000 đồng/kg nên sản phẩm họ làm ra không có chuyện cho bò ăn.
“Để có hàng chất lượng, chúng tôi phải tự đi khảo sát trước các nhà vườn, thu hoạch xong sẽ đưa vào thanh trùng và mang đi chiếu xạ để xuất khẩu” - ông An cho hay.
Nói thêm về lý do khiến trái thanh long rớt giá gần đây, ông An thông tin thêm tuần vừa rồi rơi vào tuần lễ quốc khánh của Trung Quốc nên hầu hết công chức, thương lái nghỉ lễ, do đó hàng ùn lại các cửa khẩu rất lớn.
Cùng đó, từ ngày 1/9, nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có giấy tờ xuất xứ, trong khi nguồn trái cây chủ yếu là trồng đại trà nên các thương lái gặp khó khăn.
“Cũng vì những yêu cầu này nên mấy hôm nay các hợp tác xã liên hệ tôi mua thanh long rất nhiều nhưng phần lớn là các vườn đại trà, rất khó để xuất khẩu sang các nước” - ông An phân tích.