'Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam?'

Văn Nhân |

Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ VIII sẽ không còn sự góp mặt của bầu Đức, một cuộc chia tay có thể gọi là nỗi buồn lớn sau nhiều năm đóng góp của ông bầu người Bình Định.

Yêu từ ngày chưa làm bóng đá

Bóng đá Việt Nam trở lại khu vực từ những năm 90, với lứa cầu thủ được ví như thế hệ vàng gồm những cái tên vang bóng một thời như Minh Chiến, Hữu Đang, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Công Minh, Huỳnh Quốc Cường…

Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam? - Ảnh 1.

Bầu Đức yêu bóng đá từ những năm 90 với hình ảnh người đàn ông mặc áo da bò cho tiền ĐTVN.

Thời đó, bầu Đức yêu bóng đá với tư thế một người hâm mộ. Ông bầu CLB HAGL từng tâm sự với người viết rằng: “Tôi không rõ là mình yêu bóng đá từ lúc nào, nhưng yêu từ rất lâu rồi”.

Mối tình của bầu Đức được nhiều cầu thủ thế hệ vàng biết đến qua hình ảnh người đàn ông mặc áo da bò xuống sân thưởng tiền đô cho ĐTVN, sau đó quay đi một cách thầm lặng. Người đàn ông ấy chính là ông Đoàn Nguyên Đức - thời chưa bắt đầu cho ra đời CLB HAGL.

Chính thứ tình yêu bóng đá được chiết xuất trong trái tim của một người hâm mộ đơn thuần từ những năm 90 đã thôi thúc bầu Đức xây dựng nên CLB HAGL và trở thành ông bầu nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam.

Đến những chuyện lịch sử

Từ những năm 2000, bầu Đức bắt đầu làm bóng đá để biến CLB HAGL trở thành một trong những tên tuổi mạnh nhất V.League. Ông Đức bỏ tiền tậu nhiều ngôi sao thành danh để đội bóng phố Núi hai lần liên tiếp vô địch V.League (năm 2003 và 2004).

Chuyện mua sắm cầu thủ của bầu Đức đã trở thành một phần lịch sử V.League khi “tậu” cả ngôi sao người Thái - Kiatisak, cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn. Riêng “Zico Thái” là một cú hích chấn động Đông Nam Á, khi một ông bầu Việt Nam có thể đưa về cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Thái Lan.

Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam? - Ảnh 2.

Bầu Đức mua Kiatisak gây chấn động bóng đá Đông Nam Á.

Dám nghĩ, dám làm và dám làm những điều mà những người làm bóng đá Việt Nam thời đó không dám mơ đến, bầu Đức không dừng ở chuyện mua các ngôi sao lớn mà tính chuyện đưa hình ảnh HAGL ra châu Âu.

Để thực hiện cho tham vọng lớn ấy, bầu Đức muốn đưa CLB HAGL đi tập huấn ở Anh, muốn học hỏi thêm từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Tuy nhiên, ông Đức trong lần đầu gặp HLV Wenger được chỉ giáo là phải xây dựng hệ thống đào tạo trẻ nếu muốn làm bóng đá chuyên nghiệp một cách nghiêm túc.

“Tôi phải có vài lần gặp ông Wenger. Ý tưởng cho ra đời Học viện bóng đá là từ ông ấy, chứ bản thân tôi không có công lao gì. Hồi đó, tôi muốn CLB HAGL sang giao lưu với CLB Arsenal. Ông Wenger bảo không đá đấm gì được.

Ông ấy khuyên tôi muốn làm bóng đá chuyên nghiệp phải phát triển bóng đá trẻ. Đó là tiền đề để tôi về quyết định xây Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG”, bầu Đức tâm sự.

Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam? - Ảnh 3.

Cuộc gặp gỡ lịch sử với HLV Wenger.

Học viện bóng đá đầu tiên của Việt Nam được ra đời qua câu chuyện kể trên. Đó là viên gạch lịch sử để tạo tiền đề cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, làm nên kỳ tích Á quân U23 châu Á 2018.

Đáng nói, lứa cầu thủ của bầu Đức là hình mẫu khác biệt với việc ăn tập giáo án nước ngoài, học văn hóa, học ngoại ngữ và có nhiều chuyến tập huấn nước ngoài.

Một mẩu chuyện quan trọng khác nếu trở thành sự thật sẽ “kinh thiên động địa” với bóng đá nước nhà. Đó là chuyện bầu Đức gặp Chủ tịch CLB Arsenal - Peter Hillwood để bày tỏ ý nguyện mua 20% cổ phần của CLB danh tiếng này. Tiếc rằng, câu chuyện này không thể diễn ra vì những lý do mà người trong cuộc không tiết lộ.

Chuyện lịch sử của bầu Đức với bóng đá Việt Nam có thể kể thêm là thương vụ đưa CLB Arsenal sang Việt Nam du đấu vào năm 2013.

Và đoạn tuyệt VFF trong nỗi buồn

Với những tiếng phản biện mạnh mẽ, bầu Đức có thể khiến nhiều người không hài lòng nhưng một điều không thể phủ nhận, là cá tính ấy của ông bầu CLB HAGL hóa ra mang đến sự tích cực cho bóng đá Việt Nam.

Nếu bầu Đức không lên tiếng theo kiểu “chấn động” thì liệu những cái sai, sự sai sót của VFF có được công khai? Bởi bầu Đức nói như “tát nước vào mặt” nhưng phần lớn im lặng thì cách nói chuyện nhẹ nhàng, sợ đụng chạm, e rằng không thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng của VFF.

Bây giờ, ông Đức nhất định không trở lại VFF, không muốn ngồi chung với những người mà ông gọi là xài nhiều chiêu trò. Đó là một điều đáng buồn cho bóng đá Việt Nam, cho chính bầu Đức - một người bỏ nhiều tiền bạc lẫn tâm huyết trong gần 20 năm qua cho bóng đá.

Một quan chức VFF tâm sự với người viết là bầu Đức nghỉ VFF sẽ rất buồn. Bởi ông Đức đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Vị này kể năm 2008 thì ông bầu CLB HAGL đã bỏ tiền lo cho ĐTVN - đó là năm thầy trò HLV Calisto vô địch AFF Cup.

Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam? - Ảnh 4.

Bầu Đức góp công đưa ông Park đến với bóng đá Việt Nam.

Đến năm 2018, bầu Đức mời ông Park Hang Seo dẫn U23 Việt Nam để làm nên lịch sử ở U23 châu Á.

Ông Đức là người lo tiền lương cho ông Park, là người đặt nền móng đào tạo trẻ bài bản để các cầu thủ được ăn học tử tế, chứ không phải chỉ biết đá bóng.

Đó là bước đi quan trọng để có lứa U23 hiện tại, trong đó HAGL đóng góp nhiều gương mặt như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn…

Từ hình ảnh người đàn ông mặc áo da bò đến hiện tại, có thể nói bầu Đức rất tâm huyết với bóng đá Việt Nam, dù sòng phẳng thì bóng đá đã mang lại cho ông bầu này không chỉ tiền bạc mà còn là danh tiếng, thương hiệu…

Tôi muốn mượn lời kết bằng chính câu hỏi của bầu Đức từng hỏi ngược lại trong một lần phỏng vấn sau thành công của U23 Việt Nam. Ông bầu CLB HAGL hỏi rằng: “Tôi có công hay có tội với bóng đá Việt Nam?”.

Điều này có lẽ mỗi người hâm mộ có thể tự có câu trả lời cho riêng mình…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại