“Tôi chỉ sợ không hiến được tạng chồng, không tròn tâm nguyện cuối đời của anh”

Võ Thu |

Giữa cuộc đời đâu đó lòng tốt còn bị nghi ngờ “phải có động cơ”, những nghĩa cử như gia đình chị Phương, anh Quý, gia đình bé Hải An hay chị Hằng, anh Khiêm xứng đáng được cảm ơn, trân trọng…

1. Các cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia vẫn còn nhớ khoảnh khắc cuối tháng 2/2018 khi tiếp nhận cuộc điện thoại của người mẹ trẻ - chị Thuỳ Dương - thổn thức, nói trong nước mắt về sự ra đi của cô con gái đầu lòng – bé Hải An .

Trong giây phút đó, giọng của người mẹ trẻ vẫn toát lên cảm xúc mãnh liệt rằng chị muốn con chị còn tiếp tục hiện hữu. Chị vẫn muốn gặp lại con mình ở đâu đó, chứ không phải tan vào hư vô, không rơi vào quên lãng.

Người mẹ ấy hiểu rằng, đôi mắt của Hải An như ánh sáng lan toả, thắp sáng niềm tin nhiều hơn cho cộng đồng. Đôi mắt đó được hiện hữu tốt đẹp nhất.

“Tôi chỉ sợ không hiến được tạng chồng, không tròn tâm nguyện cuối đời của anh” - Ảnh 1.

Cán bộ ngân hàng Mắt trong lần lấy giác mạc của bé Hải An hiến sau khi qua đời.

Chị Thuỳ Dương nói hiến tạng, hiến giác mạc là di nguyện cuối cùng của con gái chị, là điều tốt đẹp nên gia đình muốn làm, đó là nguồn động lực to lớn để chị sống tiếp.

Khi chị kể câu chuyện con gái mình với mọi người đánh thức nhiều trái tim thiện nghĩa, cũng là cách để các bà mẹ, những vị phụ huynh có thêm động lực cho quyết định đó, thuyết phục gia đình, giúp họ có thể gặp con mình một lần nữa, thông qua hình hài người khác, dù con đã ra đi.

2. “Ở quê, khi biết nhà tôi hiến tạng của chồng, nhiều lời ra tiếng vào lắm. Họ nói nhà tôi nghèo, nên bán tạng của chồng đi để lấy tiền, chắc được rất nhiều tiền. Trong khi cả nhà còn chưa từng gặp bất kỳ ai được nhận tạng của chồng.

Nhưng không sao, mình làm việc tốt mà!” – chị Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi), vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm (29 tuổi, ở Thái Bình) – người đã hiến tạng sau khi chết não kể với PV Gia đình & Xã hội.

Nhưng người phụ nữ trẻ tuổi có quyết định hiếm có, táo bạo đấy luôn có điểm tựa tinh thần là một phần thân thể của anh Khiêm vẫn còn hiện diện đâu đó trên cõi đời này. Chị và mọi người trong gia đình ai mong mỏi từng ngày được gặp lại anh Khiêm bằng xương bằng thịt trong hình hài người khác.

3. “Tôi chưa bao giờ thấy một gia đình nào đôn đáo liên hệ với khắp mọi nơi để hiến tạng của người thân khi biết anh không thể sống được nữa” – một cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhớ lại câu chuyện chỉ mới xảy ra cách đây 2 tuần.

“Tôi chỉ sợ không hiến được tạng chồng, không tròn tâm nguyện cuối đời của anh” - Ảnh 2.

Khi còn sống, anh Quý là người rất vui vẻ, cưng chiều thương yêu vợ con hết mực.

“Tôi chỉ sợ không hiến được tạng chồng, không tròn tâm nguyện cuối đời của anh” - Ảnh 3.

Sự lạc quan nơi anh Quý luôn sẵn có, truyền cảm hứng cho những người xung quanh, kể cả lúc anh cận kề cái chết.

Những giờ phút cuối cùng tiễn biệt, chị Hoàng Thanh Phương (vợ anh Dương Hoàng Quý, 43 tuổi, Ninh Bình – người hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 5 người xa lạ ngày 12/12 vừa qua) rất lo lắng vì một điều: Chỉ sợ không hiến được tạng của anh thì không đúng với tâm nguyện của chồng.

Đó là bởi một người chết não bị “tụt” hết các chỉ số nhanh chóng dẫn đến các tạng hỏng hoàn toàn có thể diễn ra trong chớp mắt. Lúc này, gia đình có muốn hiến tạng người thân cũng không được. Đó là chuyện đã xảy ra và rất có thể lại xảy ra.

Gia đình anh đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, kết nối với gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh (người đã từng hiến đa tạng vào tháng 2/2018)̉, sau đó liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề đạt nguyện vọng.

Rất may, chỉ số của anh Quý đảm bảo để hiến được. Và đến bây giờ, các thành viên gia đình anh đều rất tự hào với điều mà anh và gia đình đã thực hiện.

Câu chuyện của anh Quý xua tan mọi nghi ngờ mà bao nhiêu năm nay dư luận đã nhẫn tâm “ném” vào gia đình những người hiến tạng, rằng “nhà nghèo thế, là bán tạng lấy tiền chứ đâu phải hiến”.

Cái tiếng đó nhiều khi hằn sâu vào không khí từng gia đình, khiến nhiều người muốn làm điều tốt, cũng phải “giấu”.

Đó là bởi gia đình anh Quý có điều kiện, rất hạnh phúc với 2 cậu con trai đã trưởng thành. Khi còn khoẻ mạnh, xem một chương trình về hiến ghép tạng, anh đã bày tỏ nguyện vọng này.

Đến khi điều không may xảy ra, anh bị phình mạch máu não, anh đã dặn dò gia đình về nguyện vọng của mình.

4. Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia - dùng từ “dũng cảm” và “trọn vẹn tình yêu thương” khi nói về quyết định hiến giác mạc của con gái, và công khai câu chuyện đó của chị Thuỳ Dương, mở rộng ra là của những gia đình đã mở lòng chia sẻ với truyền thông câu chuyện của gia đình.

Thật sự, chính vì quyết định đó, quyết định của chị Dương, chị Hằng, chị Vân mẹ bé Vân Nhi (8 tuổi, hiến giác mạc sau khi qua đời), của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh (Ninh Bình) hay chị Hoàng Thanh Phương… chúng ta mới có những câu chuyện lan toả như ngày hôm nay, để chúng ta biết, trong cuộc đời này, hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi vẫn có không ít người lặng lẽ, âm thầm làm việc tử tế.

“Mỗi câu chuyện tử tế như ngọn nến, cần được chia sẻ, nhen lên cho nhiều người biết được. Đó còn là “mồi” cho nhiều ngọn lửa khác cháy bừng lên cảm xúc, nhen lên những ngọn lửa tử tế khác” – ông Phúc nói.

Những người quyết định hiến tạng người thân khi vừa qua đời chắc chắn hiểu rõ những điều khó khăn, sức ép ở phía trước. Nhưng khi làm được điều tử tế, thiện nghĩa, thanh thản, hợp với tâm nguyện người ra đi, chẳng phải mọi sức ép ấy cũng trở nên nhỏ bé hay sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại