Các thành tựu khoa học chính là thứ đã giúp cho xã hội loài người được như ngày hôm nay và ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên, cần biết rằng trên hành trình phát triển của mình, con người đã gây ra rất nhiều hành động với nhiều tranh cãi.
Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là các thí nghiệm trên động vật, được thực hiện một cách hết sức tàn nhẫn, như đoạn video dưới đây.
Video trên ghi lại một thí nghiệm nổi tiếng trên cơ thể mèo vào thập niên 1990. Nhìn thì giống như một con mèo bình thường, nhưng thực ra chú mèo này gần như chẳng còn não bộ nữa, theo đúng nghĩa đen.
Cụ thể, để xác định chính xác khu vực não bộ điều khiển khả năng vận động, chú mèo đã bị cắt bỏ phần lớn não, chỉ để lại phần cuống não kết nối với tủy sống. Sau đó, người ta gắn chú vào một chiếc máy chạy bộ với các mức độ nhanh chậm khác nhau để kiểm tra về khả năng vận động trong tình trạng kinh khủng như vậy.
Và kết quả thật bất ngờ: chú mèo vẫn có khả năng vận động ở 3 mức tốc độ khác nhau. Điều này khiến các nhà khoa học đặt ra giả thuyết, rằng khả năng vận động của các loài thú - bao gồm cả con người - thực chất là do một hệ thống phản hồi thông tin tự động đặc biệt trong cơ thể chứ không nhất thiết phải qua não bộ.
Từ đây, khoa học dần hình thành khái niệm về mạng lưới thần kinh trong tủy sống, thứ giúp kết nối với các chi và khớp, giúp chúng ta hoạt động nhịp nhàng. Miễn là tủy sống còn hoạt động, chúng ta có thể vận động ở nhiều mức độ khác nhau, từ đi bộ, bơi lội, thậm chí là nhảy... Và cũng nhờ vậy, thí nghiệm này được xem là nền tảng, mang đến một thành tựu vững chắc cho y học sau này.
Chỉ có điều...
Những tranh cãi nổ ra về sự tàn khốc của các thí nghiệm trên động vật
Dù đóng góp của nghiên cứu này đối với sự phát triển của y học là không nhỏ, nhưng tranh cãi vẫn nổ ra về tính nhân đạo của nó. Đa số các ý kiến sau này tỏ ra không thể chấp nhận được việc khoa học khoét não một con mèo chỉ để phục vụ nghiên cứu - việc làm đồng nghĩa với việc giết chết nó.
Đó cũng không phải lần đầu tiên khoa học thực hiện thí nghiệm gây tranh cãi trên động vật, mà trong lịch sử từng có rất nhiều.
Chẳng hạn như năm 1817, August Weinhold - nhà khoa học người Đức đã cố gắng tạo ra một con mèo "Frankeistein" thực sự (Frankeistein là quái vật được tạo ra từ các bộ phận của người chết). Và ông làm điều đó bằng cách giết chết một con mèo, bơm kẽm và bạc vào trong cơ thể nó.
Kết quả, con vật khốn khổ dường như đã sống dậy: mở mắt, nẩng đầu, đứng lên đi lại... nhưng chỉ trong vòng 20 phút. Sau đó, nó gục ngã và lịm hẳn đi.
Năm 1950, Vladimir Demikhov - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng tại Nga - cũng làm một thí nghiệm gây tranh cãi khác trên chó. Ông đã thử tạo ra một con chó... 2 đầu, lấy đầu của một con chó con (còn sống), rồi ghép vào cổ một chú chó trưởng thành.
Demikhov quả là một thiên tài lỗi lạc thời bấy giờ, khi ông đã nghĩ ra cách để trái tim chú chó lớn bơm máu cho cả 2 cái đầu. Kết quả con quái vật ấy thực sự tỉnh lại, thậm chí còn có ý chí riêng cho từng cái đầu, dù qua đời sau đó 6 ngày.
Tranh cãi đến tận ngày hôm nay: tội ác dưới cái tên khoa học?
Sang thế kỷ 21, những tranh cãi về tính cần thiết của thí nghiệm trên động vật vẫn còn đó. Năm 2014, các tổ chức yêu động vật tại Anh đã rất phẫn nộ trước thông tin rằng có đến 9 trường đại học - bao gồm cả Cambridge - vẫn đang thực hiện các thí nghiệm khủng khiếp trên mèo. Trong đó, có cả những thí nghiệm hết sức tàn nhẫn như mổ banh sọ mèo rồi cho dòng điện chạy dọc não và tủy sống.
Dĩ nhiên, các thí nghiệm như vậy đều được thực hiện có mục đích, chủ yếu là để hiểu rõ hơn về cơ thể động vật và con người. Chỉ là, gần như tất cả những vật thí nghiệm này sẽ bị loại bỏ sau đó, bằng hình thức "cái chết nhân đạo".
Những chú mèo thí nghiệm bị cho gây mê rồi mổ, rồi cho dòng điện chạy dọc theo não và xương sống
Nhưng tranh cãi vẫn nổ ra. Nhiều ý kiến từ các tổ chức bảo vệ động vật kịch liệt chỉ trích, rằng đó là những hành động độc ác, vô nhân đạo và không cần thiết, vì chúng ta có nhiều cách khác hơn là phải tước đi sinh mạng của các loài động vật.
Phe ủng hộ thì ngược lại, cho rằng những nghiên cứu này không chỉ giúp tìm hiểu về phản ứng của cơ thể người mà còn giúp phát triển các loại thuốc trong y học. Chúng do chính tay con người tạo ra, sinh ra đời nhằm mục đích phục vụ cho khoa học. Thay vì thương xót, hãy coi như chúng là những "anh hùng", hy sinh thân mình để bảo vệ nhân loại.
Còn bạn nghĩ sao? Thí nghiệm trên cơ thể động vật: đóng góp cho sự phát triển hay là hành động vô nhân tính?