Cường kích tầm thấp A-10 Thunderbolt II là chiếc phi cơ trực thuộc biên chế Không lực Hoa Kỳ, trong khi đó MV-22 Osprey lại là máy bay vận tải cánh quạt lật nằm trong trang bị Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ, bởi vậy sự phối hợp tác chiến giữa chúng được coi là rất bất thường.
Trong các lần liên kết hoạt động, máy bay vận tải của Mỹ thường được bảo vệ bởi tiêm kích chiếm ưu thế trên không để ngăn chặn các mối nguy hiểm mà chiến đấu cơ đối phương có thể gây ra cho nó, nhưng ở đây A-10 lại không có chức năng không chiến.
Vậy mục đích thực sự của cuộc huấn luyện trên là gì, phải chăng có liên quan tới chương trình hoán cải MV-22 Osprey thành một chiếc "gunship" tương tự AC-130 để triển khai trong vai trò máy bay yểm trợ hỏa lực cất cánh từ hạm tàu?
Máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey phối hợp tác chiến cùng A-10 Thunderbolt II
Hiện tại hỏa lực của MV-22 Osprey chỉ bao gồm 1 khẩu súng máy gắn phía sau đuôi và tùy chọn thêm một khẩu nữa dạng pod treo ngoài gắn dưới bụng, tuy nhiên hai vũ khí này ít khi được sử dụng vì khá cồng kềnh và làm giảm tải trọng hữu ích.
Hồi tháng 11/2014, Mỹ đã lần đầu tiên công bố thông tin về việc một chiếc Osprey đã bắn thử thành công rocket có điều khiển Advanced Precision Kill Weapon System của BAE Systems và tên lửa cỡ nhỏ AGM-176 Griffin B của Raytheon, chứng minh năng lực tiềm tàng của phương tiện này vẫn còn rất lớn.
Chưa dừng lại đó, đến năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ lại đề cập đến tham vọng tích hợp cả vũ khí laser và vũ khí sóng âm lên chiếc Osprey, mang lại cho nó một vai trò mới trong các cuộc chiến tranh tương lai.
Như vậy cuộc huấn luyện của MV-22 Osprey cùng A-10 Thunderbolt II liệu có liên quan đến các chương trình tăng cường vũ khí cho "Ưng biển", trong đó chiếc A-10 được xem như một mẫu đối chứng tính năng?
Hiện vẫn chưa rõ mục đích thực sự của Mỹ khi bố trí đội hình tác chiến đặc biệt như trên
Tuy nhiên bên cạnh các suy đoán xa xôi như đã đề cập ở trên thì còn xuất hiện một luồng ý kiến khác đơn giản hơn rất nhiều.
Khi hoạt động ở vùng chiến sự, chiếc Osprey thường bay cạnh trực thăng vũ trang để được bảo vệ khỏi hỏa lực mặt đất, nhưng máy bay lên thẳng lại không có tầm bay xa và tốc độ cao như MV-22, dẫn tới quá trình hộ tống gặp phải khó khăn.
Nhược điểm của trực thăng tấn công có thể phần nào được khắc phục nếu bảo vệ Osprey trong các cuộc chuyển quân từ tàu đổ bộ ngoài khơi vào trong đất liền là cường kích phản lực A-10 Thunderbolt II, khi nó có thời gian quần vòng cũng như tốc độ tốt hơn hẳn và cuộc diễn tập vừa được tiến hành chính là để kiểm nghiệm cho lý thuyết đó.
Sẽ cần có thêm lời khẳng định chính thức từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để giới quan sát đi được tới kết luận chính xác cuối cùng thay vì phải phân tích, giả thiết như hiện nay.
Máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge (LHD-3)