Toan tính của Trung Quốc ở "sân sau của Mỹ" sắp vỡ vụn vì khủng hoảng Venezuela

Thi Anh |

Học giả Hsiang cho rằng, tình hình hiện tại ở Venezuela là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Sputnik đưa tin.

Hồi tuần trước, Trung Quốc đã lên án những biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ nhằm vào Caracas, cam kết sẽ duy trì, mở rộng hợp tác với quốc gia Mỹ Latin này, bất chấp những hạn chế mà Mỹ gây ra.

Nhận định với Sputnik, tiến sĩ Antonio C. Hsiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Thương mại Mỹ Latin thuộc Đại học Công nghệ Chihlee (Đài Loan) cho rằng: Trung Quốc có hai lý do chính để ủng hộ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và kháng cự những nỗ lực thay đổi của Mỹ, cũng như phe đối lập Venezuela.

Ông Hsiang xem xét vấn đề từ quan điểm kinh tế, "dưới thỏa thuận đổi dầu trả nợ, Trung Quốc đã cho Venezuela vay gần 60 tỉ USD từ 2007 tới 2017".

"Tuy nhiên, sự ủng hộ của Bắc Kinh không phải là không có giới hạn. Năm ngoái Trung Quốc đã từ chối thực hiện các cam kết tài chính mới bởi một khoản nợ được cho là đã vượt qua 19 tỉ USD", học giả Hsiang nói.

Theo ông Hsiang, một điểm đáng chú ý khác là chính trị. Ông Hsiang cho biết, Venezuela được Trung Quốc coi là một trong những "đối tác chiến lược toàn diện" ở Mỹ Latin.

"Trong cuộc gặp với ông Maduro hồi tháng 9 năm ngoái, [Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình] đã nói rằng: Phát triển quan hệ với Venezuela là quyết định chiến lược đối với Trung Quốc... Trung Quốc và Venezuela phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung".

"Thay đổi lập trường này trong vòng chưa đầy 5 tháng không phải một điều khôn ngoan", ông Hsiang nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hsiang nói thêm rằng: "Đúng là tình hình hiện tại ở Venezuela là một phần trong trò chơi địa chính trị của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, ít nhất là để ngăn cản Trung Quốc "mở rộng một cách tự nhiên" ra sân sau của Mỹ".

Ông Hsiang cho biết, vào tháng 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Argentina Mauricio Macri rằng Bắc Kinh coi Mỹ Latin và vùng Caribe là khu vực "mở rộng một cách tự nhiên" của dự án Con đường Tơ lụa Trên biển của Trung Quốc vào tháng 11/2017.

Và kể từ đó, "khả năng nước này đưa khu vực vào sáng kiến Vành đai - Con đường càng trở nên rõ rệt". Panama đã ký kết tham gia vào dự án hạ tầng và thương mại toàn cầu của Trung Quốc vào năm 2017. Trong vòng 1 năm sau đó, 14 nước khác trong khu vực cũng gia nhập.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Venezuela đã gây ra một mối đe dọa đối với kế hoạch của Bắc Kinh. "Trung Quốc nên thận trọng, một số nước được cho là đối tác chiến lược toàn diện ở Mỹ Latin có thể không đứng về phía họ, ví dụ như Brazil, Argentina, Chile và Mexico", ông Hsiang nói.

Trung Quốc đã đầu tư lớn vào ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela. Hồi cuối tháng trước, sau khi Mỹ áp cấm vận đơn phương nhằm vào công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDSVA, bao gồm cả kế hoạch phong tỏa khoảng 7 tỉ USD tài sản của công ty này, Bắc Kinh đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Caracas trong nhiều lĩnh vực.

Hồi tháng 12, chi nhánh của PDVSA hợp tác với Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc được cho là đã sản xuất được gấp đôi trong vòng 7 tháng trước, trong bối cảnh sản lượng dầu của Venezuela đang sụt giảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại