Quyết định lấy lòng cử tri
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, ông Trump đã đưa ra cam kết đối với các cử tri trung thành rằng, ông sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, một mục tiêu dài hạn của các chính trị gia đảng Cộng hòa.
Cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem là một trong những điểm nhấn trong giai đoạn tranh cử của Donald Trump và là điều được các cử tri phái "Phúc âm", những nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa và giới chính sách cứng rắn của đảng này hết sức ủng hộ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia về tình hình Trung Đông, tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu xúc tiến quá trình chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về thành phố này mà ông Trump đưa ra trong ngày 6/12 thực chất là hành động vì mục đích cá nhân, được đưa ra vào thời điểm ông chủ Nhà Trắng cần thể hiện cho lực lượng ủng hộ chính trị của mình rằng ông đang nhanh chóng hoàn tất các cam kết tranh cử.
Bên cạnh đó, nhiều nhà quan sát cho rằng nhìn vào tỷ lệ ủng hộ thấp như hiện nay- chỉ vào khoảng 35% theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận hôm 5/12- và thực tế ông Trump rất tập trung hiện thực hóa các cam kết tranh cử trong năm đầu nhiệm kỳ, người ta có thể nói rằng quyết định này xuất phát từ nguyên nhân chính trị.
Đặc biệt, nhà phân tích chính trị Kevin Liptak của hãng tin CNN (Mỹ) đánh giá, Tổng thống Donald Trump lo ngại về việc để mất lực lượng ủng hộ truyền thống và quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là bước đi nhằm củng cố sự ủng hộ này.
Đánh lạc hướng dư luận về 'sự can dự của Nga về bầu cử tổng thống Mỹ?
Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Trump lại mạo hiểm với bước đi có thể kéo theo những hệ lụy khôn lường, nhất là quyết định này có thể khiến khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng toàn diện.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, một trong những mục đích của ông Trump là đánh lạc hướng dư luận đang tập trung chỉ trích ông và đội ngũ cố vấn thân cận vì có liên quan tới các buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi cuối năm 2016.
Theo nhà phân tích chính trị Kevin Liptak, quyết định liên quan đến Jerusalem được đưa ra đúng vào thời điểm Tổng thống Trump đang phải hứng chịu nhiều áp lực liên quan đến cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, một cuộc điều tra đã đụng chạm tới cả những quan chức và cựu quan chức thân cận với ông.
Như vậy có thể nhận thấy, quyết định chưa từng có tiền lệ này đa, đang và sẽ tiếp tục khiến giới chỉ trích bàng hoàng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh nội bộ nước Mỹ hiện nay, người ta sẽ cảm thấy không quá khó hiểu trước những bất ổn mà Trump đang phải đối mặt. Hình ảnh và các cam kết của người đứng đầu Nhà Trắng phụ thuộc vào việc ông có đủ can đảm làm những gì mà các Tổng thống khác không dám làm, và ông sẵn sàng đưa ra quyết định bất ngờ về những điều vốn bị xem là “cấm kị”.
Cũng có những ý kiến cho rằng, rất có thể Tổng thống Trump đơn giản chỉ cho rằng ông đang làm những điều đúng đắn.
Thực tế luật pháp Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều nhất trí việc chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về thành phố này, dù đây chủ yếu được xem là một phần trong thỏa thuận cuối cùng giữa Palestine và Israel chứ không phải một hành động mang tính đơn phương.