Toàn cảnh vụ sập cầu treo kinh hoàng ở Ấn Độ làm 135 người chết

Trung Hiếu |

Cho tới nay đã có ít nhất 135 người chết trong vụ sập cầu treo ở bang Gujarat (Ấn Độ). Đây là một trong những thảm họa an toàn công cộng tệ hại nhất ở quốc gia Nam Á này trong các năm gần đây.

Hiện trường vụ sập cầu treo Morbi ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Hiện trường vụ sập cầu treo Morbi ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Khi giới chức Ấn Độ tiến hành điều tra, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về cách cây cầu hẹp dành cho người đi bộ này bị sập và về vai trò của một công ty sản xuất đồ điện có nhiệm vụ bảo dưỡng công trình có từ thời thực dân này. Cây cầu mới mở cửa cho công chúng sử dụng hồi tuần trước sau thời gian sửa chữa.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo giới chức bang Gujarat, khoảng 200 người ước tính đang ở trên cây cầu bắc qua sông Machchhu ở thị trấn Morbi thì đột nhiên cầu sập xuống mặt nước phía dưới vào lúc 18h30 (giờ địa phương) ngày 30/10.

Ít nhất 30 trẻ em nằm trong số 135 người tử vong, theo các quan chức. Không rõ bao nhiêu người còn mất tích. Giới chức cũng chưa công bố số liệu người bị thương.

Một video clip dài 36 giây, được chính quyền khu Morbi chia sẻ, cho thấy có một đám đông nam thanh niên đứng trên cầu vào khoảnh khắc ngay trước lúc cầu sập.

Video cho thấy, một số nam giới đang lắc cầu qua lại trước khi cầu sập và khiến những người đứng trên đó văng xuống sông.

Bộ trưởng Nội vụ bang Gujarat, Harsh Sanghavi, hôm 31/10 nói rằng có vẻ một dây cáp đã bị bục.

Các bức ảnh hiện trường cho thấy người dân tụ tập trên bờ sông bên cây cầu sập.

Nhân chứng nói gì?

Những người sống sót và các nhân chứng vụ tai nạn chết người ghi nhận tình trạng hỗn loạn tại đây.

Raju, một nhân chứng, nói với Reuters: “Người ta cố đu vào cầu sau tai nạn, nhưng họ vẫn bị trượt và rơi xuống sông. Cả đêm tôi không ngủ được vì tôi tham gia hoạt động cứu hộ. Tôi đã đưa nhiều em bé tới bệnh viện”.

Trong sự cố này, Narendrasinh Jadeja có một người bạn mất tới 7 thành viên trong gia đình, bao gồm 4 đứa trẻ. Jadeja nói với Reuters: “Tôi không thể tả xiết nỗi tức giận và bất lực ở trong lòng”.

Lịch sử cây cầu gặp nạn

Cầu treo Morbi được xây thời thực dân Anh cai trị Ấn Độ, vào khoảng năm 1900. Cầu dài 230m và chỉ rộng 1,25m.

Trong nhiều thập kỷ, cầu là điểm thu hút khách du lịch đến thị trấn ven sông với các con phố rải sỏi mang di sản kiến trúc thời thực dân.

Cây cầu đã đóng cửa trong 6 tháng để trùng tu hồi tháng 4, theo giám đốc quản lý của công ty Oreva - nhà sản xuất đồ điện có trụ sở ở Gujarat chuyên giám sát công tác bảo dưỡng cầu.

Vào lễ tái mở cửa hôm 26/10, vị giám đốc quản lý nói trên tuyên bố với các phóng viên rằng cây cầu sẽ không cần phải sửa chữa đáng kể trong “8-10 năm” nữa, theo nội dung một video về sự kiện này được đăng tải trên mạng xã hội.

Toàn cảnh vụ sập cầu treo kinh hoàng ở Ấn Độ làm 135 người chết - Ảnh 1.

Công tác cứu hộ sau khi cầu treo Morbi (Ấn Độ) bị sập. Ảnh: Getty.

Giới chức đã làm gì?

Một ủy ban điều tra đặc biệt gồm 5 người đã được lập ra để điều tra sự cố này - Bộ trưởng Nội vụ bang Gujarat, Sanghavi, thông báo vào hôm 31/10.

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của hàng trăm nhân viên thuộc các đối cứu hộ thiên tai của bang và quốc gia cũng như quân đội Ấn Độ vẫn tiếp diễn.

9 người đã bị bắt và đang bị điều tra với các tội danh giết người, theo tuyên bố của cảnh sát bang này hôm 31/10. Quan chức cảnh sát cấp cao Ashok Kumar Yadav cho biết, tất cả các nghi phạm đều gắn với công ty Oreva, bao gồm 2 quản lý, 2 thư ký vé, 2 nhân viên thầu khoán và 3 bảo vệ.

Công ty Oreva

Kể từ khi xảy ra tai nạn chết người, công luận dồn sự chú ý vào công ty Oreva có trụ sở ở Ahmedabad - thành phố lớn nhất bang Gujarat.

Oreva ban đầu chuyên chế tạo đồng hồ, sau đó đa dạng hóa ngành nghề, chuyển sang mảng điện tử, theo thông tin trên website của công ty này. Website gọi công ty Oreva là “hãng sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới” và là “một trong các thương hiệu lớn ở Ấn Độ”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại