Ngày 8.10, người dân Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình cho biết quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước Sông Đà xuất hiện một mùi khét, lẫn dầu đã qua sử dụng. Ảnh: Người dân cung cấp
Sáng ngày 9.10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà thấy có váng dầu tại suối Bằng, sau đó phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh có đổ thải dầu, dầu tràn xuống suối Bằng. Công ty đã rải cát toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, huy động công nhân và thuê người dân đi vớt dầu.
Chiều ngày 9.10, Công ty báo sự việc với Công an xã Phúc Tiến và Công an huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Sự việc khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội thấy nước có mùi khét, đục ngầu, không dám sử dụng để sinh hoạt. Ảnh: Anh Huy
Ngày 11.10, Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước xét nghiệm sau phản ánh của người dân về nước có mùi lạ. Ảnh: Cát Tường
Ngày 12,13.10 Trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả, người dân phải mua nước đóng bình hay nước đóng chai của các hãng để về sử dụng. Ảnh: Anh Huy
Ngày 14.10, tại họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm là do đổ trộm dầu. Ảnh: T.C
Cũng trong ngày 14.10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về hiện tượng dầu loang. Đồng thời ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cho rằng Công ty không bưng bít thông tin, khẳng định “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì. Ảnh: Nguyễn Hà
Chiều 15.10, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm nguồn nước, theo đó các mẫu nước xét nghiệm đều có lượng styren cao 1,3 đến 3,65 lần quy chuẩn. Khuyến cáo người dân chỉ dùng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống. Ảnh: Nguyễn Hà
Chiều tối 15.10, Công ty Nước sạch Hà Nội ra thông báo khẩn về việc hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà. Đến tối 15.10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ảnh: Sơn Tùng
Trong đêm 15.10, nhiều khu dân cư tại Hà Nội đã phải xếp hàng để chờ... nhận nước sạch. Ảnh: Thế Tùng
Ngày 16.10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống. Ảnh: Thế Tùng
Ngày 16.10, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, cơ quan điều tra đã xác định được các nghi phạm trên. Ảnh: Tô Thế
Ngày 17.10, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà không có lời xin lỗi đến người dân và cho rằng “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất”. Ảnh: Tô Thế
Ngày 17.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra.
Ngày 20.10, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết Lý Đình Vũ, kẻ được cho là thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám, nghi phạm đổ chất thải khiến nguồn nước sạch Sông Đà bị ảnh hưởng đã ra đầu thú. Đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để chuyển giao cho Công an tỉnh Hòa Bình xử lý theo thẩm quyền.
Công bố mới nhất của Sở Y tế Hà Nội ngày 20.10 về kết quả xét nghiệm chất lượng nước sông Đà cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả ở ngưỡng an toàn. Ảnh: Tô Thế