Tân Uyên có diện tích 191,7 km2, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Dương, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về phía Bắc. Với dân số 466.053 người (số liệu năm 2022), Tân Uyên là thị xã có dân số đông nhất cả nước. Hiện Tân Uyên đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của tỉnh. Sau khi thành phố Tân Uyên được thành lập, tỉnh Bình Dương sẽ có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên, một thị xã là Bến Cát và 4 huyện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32%, dân số 2,7 triệu người.
Từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên có tốc độ phát triển 13%/năm. Theo số liệu năm 2021, GRDP của thị xã đạt 45.152 tỷ đồng, tương đương GRDP của tỉnh Hậu Giang. Tổng thu ngân sách đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương với tỉnh Ninh Thuận. Trong ảnh là khu vực Trung tâm hành chính mới của thành phố Tân Uyên bên cạnh bờ kè sông Đồng Nai.
Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 99% cơ cấu kinh tế của Tân Uyên (số liệu năm 2021). Hiện trên địa bàn thị xã có các Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Việt Nam – Singapore II-A; 3 cụm công nghiệp và gần 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Năm 2022, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển thêm Khu công nghiệp VSIP III tại thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Khi đi vào hoạt động, nơi đây sẽ thu hút rất nhiều lao động và chuyên gia đến làm việc. Hiện Tập đoàn LEGO đang đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại với quy mô vốn hơn 1,3 tỉ USD tại phường Hội Nghĩa. Theo định hướng phát triển, Tân Uyên sẽ thu hút doanh nghiệp lĩnh vực ngành công nghệ cao, ít thâm hụt lao động và ít tác động đến môi trường.
Tốc độ đô thị hóa cao ở thị xã Tân Uyên cũng thể hiện rất rõ ở cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư đẩy mạnh. Hiện Tân Uyên đang có 2 dự án giao thông trọng điểm là đường Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Theo lộ trình, 2 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Trong thời gian gần đây, Tân Uyên và tỉnh Bình Dương đã đầu tư vào việc cải tạo bờ kè sông Đồng Nai để phòng chống sạt lở, cải tạo mỹ quan dọc bờ sông. Hiện phần lớn bờ sông đã được xây dựng mới khang trang, tạo cảnh quan thông thoáng, mát mẻ.
Ngoài ra, làn sóng hạ tầng cũng góp phần thu hút lượng lớn lao động, các chuyên gia, kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc. Điều này cũng kéo theo việc nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều khu đô thị thương mại, khu dân cư mới ở Tân Uyên cũng đã được đầu tư xây dựng. Trong ảnh là khu đô thị Suncasa Central.
Theo Báo cáo Kế hoạch Phát triển Nhà ở Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 , toàn tỉnh sẽ dành ra 1.600 ha đất cho các dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 130.000 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Tân Uyên đứng đầu khi cần đến 274 ha, vốn đầu tư 22.179 tỷ đồng để phát triển những khu đô thị, dân cư mới. Trong ảnh là khu biệt lập The Standard (Tân Phước Khánh) do tập đoàn An Gia làm chủ đầu tư.
Bản đồ hành chính thị xã Tân Uyên
Ảnh: Tô Cường, Trung tâm VHTT&TT thị xã Tân Uyên