Theo thông báo của Điện Buckingham, Vua Charles III sẽ được trao vương miện tại Tu viện Westminster của London vào ngày 6/5 trong một buổi lễ tráng lệ với những truyền thống có từ 1.000 năm trước.
Cũng theo Điện Buckingham, lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ có một số khác biệt so với nghi lễ của Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1953. Điểm đáng chú ý nhất là quy mô và thời gian cử hành lễ đăng quang được thu gọn, dự kiến sẽ chỉ có khoảng 2.000 khách mời, con số được cho là khiêm tốn hơn rất nhiều so với dịp Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953 với 8.251 người tham dự.
Nhận lời mời của Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, sáng 4/5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tại Vương quốc Anh.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước lần này là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vị thế và vai trò của nước ta ở khu vực và trên thế giới.
Vua Charles III trị vì nước Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. (Ảnh: Getty)
Lễ đăng quang đặc biệt
Theo Điện Buckingham, Vua Charles III và Vương hậu Camilla sẽ di chuyển từ Cung điện Buckingham đến Tu viện trên cỗ xe ngựa Diamond Jubilee, được chế tạo nhằm kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II và sử dụng lần đầu vào năm 2014.
Nội thất của cỗ xe gồm có các mẫu đồ vật được lấy từ những tòa nhà và cung điện lịch sử, trên đỉnh đặt một chiếc vương miện mạ vàng.
Vua Charles III cũng sẽ tái sử dụng một số trang phục từng xuất hiện trong những sự kiện từ năm 1821 “vì tính bền vững và hiệu quả”. Trong số những trang phục ấy bao gồm găng tay đăng quang làm cho ông ngoại, Vua George VI, Reuters đưa tin.
Vua Charles III cũng sẽ mặc lại Colobium Sindonis - chiếc áo choàng bằng vải lanh trắng không tay - và thắt lưng đeo kiếm của ông nội. Một số trang phục khác có thể kể đến như supertunica - áo khoác dài bằng lụa vàng có tay làm cho Vua George V, ông nội Nữ hoàng Elizabeth II.
Bên ngoài supertunica, Vua Charles III sẽ mặc chiếc áo khoác Imperial Mantle được làm từ vải kim tuyến. Imperial Mantle vốn được may cho lễ đăng quang của Vua George IV vào năm 1821.
Sau lễ đăng quang, Vua Charles III và Vương hậu Camilla sẽ diễu hành qua đường phố London. Mặc dù quãng đường dài hơn so với hành trình đến Tu viện Westminster nhưng quãng đường này chỉ bằng 1/3 hành trình dài 7,2 km mà Nữ hoàng Elizabeth đã thực hiện 70 năm trước, khi hàng triệu người tập trung trên đường phố để dõi theo bà.
Trong lễ diễu hành, Quốc vương và Vương hậu Anh sẽ đi trên cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi. Nó đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV năm 1831. Cỗ xe dài 7 m, cao 3,6 m, nặng 4 tấn, cần 8 con ngựa kéo.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng vợ chồng Thái tử Charles và Camilla trên cỗ xe ngựa Diamond Jubilee vào năm 2019. (Ảnh: AFP)
" Tốc độ của buổi lễ diễu hành chỉ ngang đi bộ, điều này làm tăng thêm vẻ uy nghiêm và trang trọng cho đám rước Hoàng gia ", Sally Goodsir, chuyên gia về trang trí tại phòng trưng bày nghệ thuật Royal Collection Trust, nhận xét.
Trong gần 1.000 năm qua, các vị vua và nữ hoàng Anh đăng quang tại Tu viện Westminster ở Thủ đô London, trong buổi lễ trang trọng. Buổi lễ này không có nhiều thay đổi trong những thế kỷ qua.
Đã có 38 người đứng đầu nền quân chủ Anh trải qua buổi lễ đăng cơ tại Tu viện Westminster. Edward V - một trong 2 vị hoàng tử được cho là bị sát hại tại Tháp London vào thế kỷ XV - và Edward VIII, người thoái vị để cưới một công dân Mỹ, là những người duy nhất không được phong ngôi vua.
Hiện tại không có nền quân chủ nào khác trên thế giới tổ chức lễ đăng quang cho nhà vua tương tự như ở Anh.
" Buổi lễ mà chúng ta sẽ chứng kiến, khi Vua Charles III được phong ngôi vua, là sự kiện chỉ có ở nước Anh và độc nhất trong sự tồn tại của nền quân chủ này ", nhà sử học hoàng gia Alice Hunt cho biết.
Buổi lễ được tổ chức bởi thống chế Anh, quan chức cấp cao nhất chịu trách nhiệm cho các sự kiện tầm quốc gia. Trong nhiều thế kỷ qua, vai trò này được đảm nhận bởi công tước xứ Norfolk và gia đình Howard.
Hiện tại, vai trò thống chế Anh được nắm giữ bởi Edward Fitzalan-Howard, Công tước xứ Norfolk. Ông cũng là người chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang cho Nữ hoàng Elizabeth II.
Áo khoác Imperial Mantle được làm từ vải kim tuyến sẽ được Vua Charles III và Vương hậu Camilla sử dụng trong lễ đăng quang. (Ảnh: AFP)
Nghi thức lễ đăng quang của Vua Charles III
Lễ đăng cơ là sự kiện tôn giáo trang trọng với nhiều nghi lễ khác nhau. Vua Charles III sẽ tuyên thệ giữ gìn và bảo vệ luật pháp và Giáo hội Anh.
Ngồi trên Ghế Đăng cơ, hay còn được gọi là ghế của Vua Edward, và giữ Viên đá Định mệnh, Vua Charles III sẽ được Tổng giám mục Canterbury - người đứng đầu Giáo hội Anh trên toàn cầu - phong ngôi vua bằng dầu cùng nước thánh được ban phước tại thành phố Jerusalem.
Một bức bình phong sẽ được sử dụng cho nghi lễ xức dầu của Vua Charles III, nhằm tạo “sự riêng tư tuyệt đối” cho nghi thức thiêng liêng nhất trong lễ đăng quang của nhà vua. Đây là tâm điểm của buổi lễ và thể hiện sự đồng tình của Thượng đế đối với người đứng đầu mới của nền quân chủ Anh.
Vua Charles III cũng được ban một quả cầu bằng vàng được trang trí công phu, quyền trượng, gươm và một chiếc nhẫn. Những đồ vật này là các thành phần của Bộ trang sức Hoàng gia, thể hiện quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu nền quân chủ Anh cũng như uy quyền của Thượng đế.
Tổng giám mục Canterbury sau đó sẽ đặt chiếc vương miện thánh Edwards, được dùng trong các buổi lễ quan trọng suốt 35 năm qua, lên đầu Vua Charles III. Vua Charles III sẽ không phải người duy nhất lên ngôi trong buổi lễ này. Vợ của ông, bà Camilla cũng sẽ trải qua một nghi lễ nhỏ hơn để được phong ngôi vị Vương hậu.
Vua Charles sau đó sẽ rời Tu viện Westminster với một chiếc vương miện khác trên đầu, được gọi là Vương miện Nhà nước Hoàng gia.