Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh (Hà Nội). Đưa vào sử dụng từ năm 1985, đến nay, cầu đã trải qua 2 lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ. Trong lần đại tu năm 1999, đơn vị thi công đã phải cào bóc lớp trên và thảm phủ lớp bê tông nhựa mới.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được thay thế lớp phủ bằng công nghệ vật liệu SMA. Nhưng chỉ sau 2 tháng, mặt cầu lại hư hỏng và phải sửa chữa lớn vào những năm 2011-2012.
Theo đại diện Công ty Cổ phần thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng (đơn vị sửa chữa cầu Thăng Long), công đoạn cào bóc lớp nhựa mặt cầu Thăng Long hiện đã hoàn tất 100%.
Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tuổi thọ của công trình.
Video và chùm ảnh phóng viên báo Tin tức ghi nhận tại công trường sửa chữa cầu Thăng Long (25/8/2020):
Từ 8/8, ô tô bị cấm lưu thông ở tầng trên của cầu để phục vụ việc thi công sửa chữa.
Tổng mức đầu tư của dự án sửa mặt cầu là hơn 269 tỷ đồng.
Bề mặt cầu được bóc tách lớp keo cũ, hàn đinh neo dài 5 cm theo công nghệ plasma tốc độ nhanh để không gây biến tính vật liệu thép.
Công nhân đặt lưới thép và đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao.
Trạm trộn bê tông đã được lắp đặt ngay tại công trường.
Trong thời gian sửa chữa, tầng dưới của cầu dành cho tàu hoả và xe thô sơ vẫn hoạt động bình thường.
Tiến độ sửa chữa cầu Thăng Long đang được thực hiện 24/7, vì tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch-Nam Thăng Long (nối đến chân Cầu Thăng Long) đã hoàn thiện đến 90%.
Dự kiến trong quý IV/2020, cầu Thăng Long sẽ hoàn tất việc sửa chữa.