Theo đó, TAND huyện Đức Phổ đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại số 01/2016/TA-TL về việc: “bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra”, theo đơn yêu cầu của chị Nguyễn Thị Tú Anh.
Những vấn đề cụ thể chị Tú Anh yêu cầu tòa án giải quyết bao gồm: yêu cầu bồi thường tất cả khoản về thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, các thiệt hại khác với tổng số tiền hơn 8,7 tỉ đồng.
Kèm theo đơn yêu cầu, chị Tú Anh đã nộp các tài liệu, chứng cứ như: bảng thanh toán lương, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định đình chỉ điều tra vụ án...
Theo TAND huyện Đức Phổ, căn cứ Điều 17, Điều 36 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 13 của thông tư liên tịch giữa VKSNDTC – TANDTC – BCA – BTP – BQP – BTC – BNN&PTNT về hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ngoài việc gửi đến đương sự, thông báo này cũng được gửi đến VKSND huyện Đức Phổ, cơ quan đã ra cáo trạng truy tố Tú Anh về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Các hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại gửi cho tòa.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, giữa Tú Anh và một số khách hàng quen có quan hệ mua bán bia. Năm 2011, giữa các bên xảy ra tranh chấp về việc thanh toán tiền và giao hàng.
Mặc dù chỉ là quan hệ tranh chấp dân sự bình thường nhưng Công an huyện Đức Phổ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển đổi sang tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau nhiều lần chuyển trả hồ sơ, TAND huyện Đức Phổ xử sơ thẩm, tuyên án Nguyễn Thị Tú Anh bảy năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tú Anh kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cấp sơ thẩm điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ nên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Cuối cùng, cơ quan Công an huyện Đức Phổ xác định “không đủ căn cứ xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Tú Anh nên ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.