Tòa thông báo hoãn xử vụ bảo mẫu khiến cháu bé chấn thương sọ não qua... điện thoại

Đình Thức |

HĐXX phiên tòa bảo mẫu gây chấn thương sọ não cho cháu bé đang xét xử nhưng sau giờ nghỉ trưa thì thông báo tạm hoãn qua điện thoại.

Bé 1 tuổi chấn thương sọ não ở nhà trẻ tự phát

Ngày 27/3, TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (trú tổ 202, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội vô ý gây tổn hại sức khỏe của người khác.

Theo cáo trạng từ VKS, bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững dù không có giấy chứng nhận, không được các cơ quan cấp phép nhưng vẫn nhận giữ trẻ tại nhà riêng.

Bảo mẫu Vững có nhận giữ cháu Lương Công Châu (SN 2005) là con của anh Lương Công Thi và chị Ngô Thị Yến (cùng trú phường Hòa An, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Ngày 18/7/2016, Vững cho cháu Châu ngủ trong nôi rồi ra phía sau nhà rửa chén. Cháu Châu không được ai trông coi nên sau đó ngã từ nôi xuống đất.

Vững sau đó gọi điện cho anh Thi đến đón cháu Châu. Anh Thi đến nhà trẻ thì phát hiện con trai cứng đơ bất động, mắt trợn ngược nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tòa thông báo hoãn xử vụ bảo mẫu khiến cháu bé chấn thương sọ não qua... điện thoại - Ảnh 1.

Bị cáo Vững tại phiên tòa xét xử

Cháu Châu được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương sọ não. Dù được cứu sống nhưng cháu Châu bị chấn thương sọ não dẫn đến thương tích 74%.

Tại phiên tòa xét xử, anh Thi cho rằng cháu Châu bị chấn thương sọ não không phải do ngã từ nôi xuống đất. Theo anh Thi, khoảng cách từ nôi đến nền đất là 60cm nên không thể có chấn thương nặng như vậy.

"Vợ chồng tôi nhiều lần phát hiện trên người cháu có vết bầm có in năm ngón tay trên đùi. Vợ chồng tôi vừa tìm được trường mầm non cho cháu học thì cháu bị nạn ngay buổi cuối ở nhà bà Vững.

Tôi nghi ngờ bà Vững đánh con tôi dẫn đến chấn thương sọ não", anh Thi bức xúc nói.

Anh Thi cho biết kể từ ngày con gặp nạn vợ chồng anh phải nghỉ việc để chăm sóc con. Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn.

Tại phiên tòa, cháu Châu được mẹ bồng đến tham dự. Mắt cháu bé không thể mở, tay chân không thể cử động. Cháu gần như sống đời thực vật, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào cha mẹ.

Thông báo hoãn phiên tòa xét xử qua điện thoại

Phiên tòa xét xử được ông Trần Hữu Vinh, Chủ tọa, Thẩm phán phiên tòa tạm dừng vào lúc 10h sáng cùng ngày. Ông Vinh thông báo phiên tòa sẽ tiếp tục vào 13h30 cùng ngày.

Tuy nhiên vào trưa cùng ngày, ông Vinh gọi điện thoại cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại thông báo dừng phiên tòa xét xử.

"HĐXX thông báo dừng phiên tòa qua điện thoại. Ông ấy cũng không thông báo cho gia đình mà chỉ cho luật sư.

Chúng tôi nhận tin từ luật sư nên không biết thế nào, vẫn đến Tòa để nắm rõ sự việc", anh Thi nói.

Theo luật sự bảo vệ quyền lợi gia đình anh Thi thì việc thông báo qua điện thoại việc dừng, hoãn phiên tòa là vi phạm quá trình tố tụng.

"Phiên tòa đang xét xử thì nếu muốn dừng hay hoãn phải thông báo ngay tại phiên tòa. HĐXX đã vi phạm luật", luật sư cho hay.

Anh Vinh cũng cho biết ông Trần Hữu Vinh thông báo hoãn phiên tòa vô thời hạn.

"Tôi không hiểu tại sao lại dừng vô thời hạn. Nếu hoãn thì phải xét xử trong vòng 5 ngày còn dừng thì trong vòng 1 tháng phải xét xử lại", anh Thi bức xúc.

Trao đổi với PV, Thẩm phán Trần Hữu Vinh cho biết hoãn phiên tòa để bổ sung thêm 1 số vấn đề có liên quan. Ông Vinh cũng cho rằng thông báo hoãn qua điện thoại để… tiết kiệm thời gian.

Theo ông Vinh, phiên tòa sẽ được xét xử lại sau 5 ngày. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Vinh vẫn thông báo hoãn vô thời hạn với gia đình nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Đạm, Chánh án TAND quận Liên Chiểu, khẳng định việc ông Vinh thông báo tạm hoãn phiên tòa qua điện thoại là vi phạm luật.

"Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa không được làm như vậy. Làm vậy là vi phạm luật", ông Đạm nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại