Khi lang thang giữa những tòa nhà tráng lệ trong quần thể lâu đài Shuri ở Okinawa, Nhật Bản, bạn có thể cảm thấy như thể mình đang được trở về quá khứ. Tuy nhiên, những tòa nhà phục dựng đẹp đẽ này chỉ mới tồn tại vài thập niên.
Lâu đài Shuri (Thủ Lý Thành) được xem là biểu tượng lịch sử, văn hóa và du lịch của hòn đảo Okinawa xinh đẹp. Vào năm 2000, lâu đài Shuri cùng các di tích khác ở Okinawa được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.
Lâu đài Shuri được xây dựng cùng thời với nhiều toà thành khác ở Okinawa vào khoảng cuối thế kỷ 13-14.
Những viên gạch đỏ nổi bật của cung điện là dấu ấn đặc trưng của Okinawa và khác biệt với các lâu đài còn lại ở Nhật Bản
5 lần cháy lớn
Lâu đài Shuri đã bị phá hủy nhiều lần trong nhiều thế kỷ, mỗi lần như vậy toà lâu đài đều được phục dựng lại, nhưng đối với nơi khan hiếm gỗ tốt như Okinawa, việc cung cấp gỗ đã trở thành một vấn đề nan giải.
Trận hỏa hoạn đầu tiên
Lần đầu lâu đài Shuri bị cháy là vào năm 1453, lúc diễn ra cuộc chiến tranh giành ngai vàng (Cuộc chiến Shiro - Furi) và khiến toà lâu đài bị phá huỷ hoàn toàn.
Lâu đài được xây dựng lại lần đầu vào tháng 2/1456 và được phân làm 3 khu vực. Trong đó, Ngoại thành là nơi chứa các nhà kho và chuồng trại; Trung thành chứa hơn 200 lính canh và Nội thành có xây một tòa các 3 tầng với tầng trệt là nơi tụ tập tiệc tùng, tầng 1 là nơi vua ở và có hơn 100 nữ Samurai canh gác, tầng trên cùng chính là nơi cất giữ kho báu.
Hỏa hoạn lần thứ 2 và thứ 3
Khi Luật Bảo tồn Kho báu Quốc gia được ban hành vào năm 1929, lâu đài Shuri đã được chỉ định là Bảo vật quốc gia
Lâu đài Shuri bị cháy lần thứ 2 vào năm 1660 và cần đến 11 năm để xây dựng lại.
Năm 1709, lâu đài Shuri bị cháy lần thứ 3, nhưng lúc này do tài chính eo hẹp nên đến năm 1712 toà lâu đài mới được phục dựng lại.
Trận cháy thứ 4
Trong trận Okinawa, hay còn gọi là chiến dịch Iceberg, quân đội Nhật đã đào một tầng hầm bên dưới lâu đài Shuri. Sau 3 ngày kể từ ngày 25/5/1945, nó đã bị chiến hạm Mississippi của Mỹ bắn hạ và thiêu rụi vào ngày 27/5/1945.
Lần thứ 5
Thành Shuri bị hư hại hoàn toàn sau trận hỏa hoạn lần thứ 5
Nửa đêm ngày 31/10/2019, nhân viên trực đêm trong tòa lâu đài phát hiện một hệ thống an ninh đang bốc hỏa. Ngọn lửa sau đó nhanh chóng lan ra các công trình gỗ và thiêu rụi hoàn toàn Chính Điện, gây tổn hại nặng nề cho Bắc Điện và Nam Điện của toà lâu đài 600 năm tuổi.
Không chỉ riêng người dân Okinawa, hàng triệu du khách từ khắp nơi đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối và buồn bã khi biểu tượng của hòn đảo xinh đẹp này đã không còn nữa.
Quá trình khôi phục lâu đài Shuri sau chiến tranh
Cổng chùa Engaku
Sau vụ cháy lần thứ 4 vào ngày 27/5/1945, mãi đến năm 1958, quá trình phục dựng lại lâu đài Shuri mới bắt đầu với việc xây dựng lại Shureimon và các công trình xung quanh như cổng chùa Engaku.
Những năm 1979-1980, khi đại học Ryukyu được di dời từ đống hoang tàn của lâu đài Shuri thì lâu đài này đã được lên kế hoạch xây dựng lại bởi chính phủ Nhật Bản và tỉnh Okinawa. Vào thời gian này, lâu đài Shuri chính thức bắt đầu được trùng tu trên quy mô toàn diện.
Cấu trúc lâu đài cổ Shuri
Không giống như các toà lâu đài khác của Nhật Bản, kiến trúc lâu đài Shuri chịu sự ảnh hưởng lớn từ các toà lâu đài Trung Quốc. Cổng và toà nhà đều được sơn đỏ theo kỹ thuật sơn mài, mái ngói ban đầu là ngói Cao Ly, sau này là ngói Ryukyu (ngói làm bằng gạch Ryukyu đỏ) và hình ảnh liên quan đến rồng (cũng là biểu tượng của nhà vua) được sử dụng để trang trí rất nhiều.
Lâu đài Shuri được bao quanh bởi tường thành kép gồm Nội thành được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15 trong triều đại nhà Shou I và Ngoại thành được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 16 trong triều đại nhà Shou II. Các công trình Chính Điện, Bắc Điện hay Nam Điện đều tập trung ở Nội thành.
Mô hình lâu đài shuri
Ngoại thành gồm có 4 cổng vòm (như cổng Kankaimon), trong khi đó 9 cổng khác nằm ở Nội thành (như cổng Zuisenmon).
Tại Zuisenmon có một đài phun nước tên là Ryuhi với dòng nước chảy ra từ một rặng núi bằng đồng có hình đầu rồng. Ở nơi đó có một bia đá với dòng chữ "Nakayama daiichi kanro - Trung Sơn Đệ Nhất Cam Lộ" mang ý nghĩa tôn vinh nguồn nước ở đây ngọt lành như sương mai.
Ở phía trước Chính Điện là quảng trường, nơi các chư hầu đón tiếp sứ giả đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, quảng trường còn được bao bọc bởi nhiều cổng và tường thành khác nhau. Có người cho rằng cấu trúc này tương tự với Tử Cấm Thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Nam Điện là nơi dùng để tiếp đãi gia tộc Satsuma nên chỉ riêng nơi đây được xây dựng theo phong cách Nhật Bản.
Bên ngoài Bắc Điện
Tham quan lâu đài Shuri
Trước khi lâu đài Shuri xảy ra hoả hoạn vào ngày 31/10/2019, nơi đây vẫn mở cửa cho du khách vào tham quan. Ngoại thành là nơi du khách có thể ra vào miễn phí, chỉ khi vào Nội thành để tham quan các toà bên trong như Chính Điện mới cần mua vé. Và khi vào trong điện, du khách sẽ bị cấm hoàn toàn việc chụp hình hay quay phim. Tất cả đều có mũi tên hướng dẫn đường đi và chỉ khi đến nơi đặt ngai vàng du khách mới được phép chụp hình.
Du khách chụp hình với tàn tích của lâu đài Shuri sau trận hỏa hoạn vào năm 2019
Không chỉ là tham quan, nơi đây còn tạo ra một trò chơi thu thập con dấu nho nhỏ dành cho du khách. Theo đó, du khách chỉ cần nhận tờ bản đồ ở quầy trước khi vào trong điện, sau đó đi đến các nơi được đánh dấu trên bản đồ để tìm chỗ đóng dấu. Cuối cùng, nếu đã thu thập đủ, du khách có thể đổi quà tại quầy ở phía ngoài.
Món quà chính là một bìa đựng hồ sơ và các hình dán đặc trưng của Okinawa. Hơn nữa, phía bên trong điện còn có một nơi phục vụ trà và bánh, du khách hoàn toàn có thể ghé vào để thưởng thức hương vị truyền thống nơi đây.
Mặc dù hiện nay người ta đã không còn cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng lâu đài Shuri, nhưng chính phủ Nhật Bản đã hứa hẹn sẽ phục dựng lại toà lâu đài hàng trăm năm tuổi này.