Đại diện của Ukraine, Anton Korynevych phát biểu sau phán quyết của ICJ. Ảnh: REUTERS/Piroschka van de Wouw
Theo Reuters, các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) phát hiện thấy Nga đã vi phạm một số yếu tố trong hiệp ước chống khủng bố của Liên Hợp Quốc, nhưng từ chối đưa ra phán quyết về những cáo buộc của Kiev nhằm vào Moscow xung quanh vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hồi 2014.
Trong phán quyết này, các thẩm phán cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước chống phân biệt đối xử khi không hỗ trợ giáo dục tiếng Ukraine tại Crimea sau khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.
Reuters nhận định, những quyết định này của ICJ là một bước lùi pháp lý đối với Kiev. Tòa án đã bác bỏ yêu cầu đền bù thiệt hại của Ukraine và chỉ ra lệnh Nga phải tuân thủ các hiệp ước quốc tế.
Ukraine đã đệ đơn kiện lên ICJ (còn gọi là Tòa án Thế giới) vào năm 2017, cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước chống khủng bố bằng cách tài trợ cho các phần tử ủng hộ ly khai ở Ukraine.
Tuy nhiên, hội đồng thẩm phán của tòa án cho rằng Moscow đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố của Liên Hợp Quốc khi không điều tra những cáo buộc về khả năng một số tiền được chuyển từ Nga sang Ukraine có thể để tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Hội đồng yêu cầu Nga phải điều tra các cáo buộc liên quan tới tài trợ khủng bố nhưng bác bỏ yêu cầu bồi thường từ phía Kiev.
Tòa án từ chối đưa ra phán quyết về việc bắn rơi MH17, nói rằng vi phạm tài trợ khủng bố chỉ áp dụng cho hỗ trợ tiền tệ và tài chính, không áp dụng cho việc cung cấp vũ khí hoặc huấn luyện như cáo buộc của Ukraine.
Trước đó, Ukraine đã cáo buộc Nga cung cấp hệ thống tên lửa bắn hạ máy bay, nhưng lại không cáo buộc hỗ trợ tài chính trong trường hợp này.
Phát biểu trước báo giới sau khi phán quyết được ICJ đưa ra, Đại diện của Ukraine, Anton Korynevych, nhấn mạnh phán quyết này quan trọng đối với Kiev vì nó cho thấy Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng nước này đã tài trợ và kiểm soát các phần tử ủng hộ ly khai ở miền đông Ukraine trong một phiên điều trần tại tòa án ở The Hague vào tháng 6/2023.
Ngoài ra, Ukraine còn cáo buộc Nga đang cố gắng xóa bỏ văn hóa của người Tatar và người Ukraine tại Crimea. Liên quan đến vấn đề này, tòa án bác bỏ toàn bộ các cáo buộc liên quan đến người Tatar từ phía Ukraine nhưng nhận định rằng Moscow chưa làm đủ để hỗ trợ giáo dục tiếng Ukraine.
Theo Reuters, đây là phán quyết cuối cùng của ICJ, không thể kháng cáo.