Phát biểu tại một sự kiện ở tỉnh Romblon, vùng trung tâm Philippines, ông Duterte nói: "Họ nói rằng chuyện đó (vụ kiện biển Đông) sẽ không được nhắc tới. Tôi nói là không. Nếu tôi - trong vai trò tổng thống một đất nước có chủ quyền - không được phép nói về bất kỳ điều gì mình muốn nói, thì chẳng thà chúng ta không nói gì nữa."
"Đừng kiểm soát cái miệng của tôi vì đó là món quà từ Chúa," ông tuyên bố.
Tổng thống không nêu cụ thể đối tượng mà ông nhắm tới trong phát ngôn. Ông Duterte dự kiến tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 trong nhiệm kỳ vào ngày 28/8 tới.
Trong văn bản bài phát biểu của Duterte ngày 21 mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) có được, dường như tổng thống hướng đến các quan chức trong chính phủ Trung Quốc: "Dù các vị có thích hay không, chuyện đó có làm các vị vui vẻ hay không, tức giận hay thế nào đó, thì tôi xin lỗi."
"Nhưng tôi phải nói về phán quyết [vụ kiện biển Đông]", trước khi đôi bên trao đổi về hợp tác thăm dò và khai thác "những thứ có giá trị trong lòng đất" - ông Duterte khẳng định, đề cập đề xuất hợp tác mà Trung Quốc đưa ra về việc thăm dò và khai thác dầu khí chung với Manila trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines với tỉ lệ ăn chia 60-40.
Tuy nhiên, cả hai nước chưa đưa ra lý giải chi tiết về cơ chế sở hữu, chi phí hay lợi nhuận của liên doanh này. "Đề xuất 60-40 với phần hơn cho chúng ta sẽ là khởi đầu tốt," Duterte nói. "Tôi mong là nó sẽ tiến triển thành một điều gì đó như cách thức chúng ta giải quyết phán quyết [biển Đông] một cách hòa bình."
Ông cũng chỉ ra rằng "bất kỳ cuộc phiêu lưu hoặc thám hiểm" nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila đều sẽ liên quan trực tiếp đến phán quyết.
"Tôi sẽ không đồng ý chỉ một thỏa thuận 'cảm ơn' [mà Philippines không thu được gì từ đó]. Nhưng tôi cũng sẽ không để xảy ra xung đột vì nó."
Vào tháng 7/2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đã ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn "Đường chín đoạn", còn gọi là "Đường lưỡi bò" - yêu sách phi lý mà Bắc Kinh áp đặt để đòi hỏi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích biển Đông. Phán quyết xác định yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược các nguyên tắc trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) - mà Bắc Kinh là một thành viên.
Duterte lên nắm quyền từ năm 2016 và chưa từng viện dẫn thắng lợi pháp lý nói trên, thay vào đó ông theo đuổi chính sách hòa dịu và phát triển các mối liên hệ với Trung Quốc. Chỉ từ tháng này, tổng thống Philippines bắt đầu thay đổi thái độ về phán quyết PCA và khẳng định sẽ nêu vấn đề này với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.