Trong bối cảnh NATO lấy cớ Nga có những động thái khiêu khích để tăng cường lực lượng ở giáp biên giới thì Moscow cũng không vừa, liên tiếp triển khai những loại vũ khí mới, hiện đại cho các đơn vị đóng quân ở những khu vực trọng yếu.
Giữa tháng 10 vừa qua, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hãng tin Sputnik biết, chỉ trong vòng 90 ngày từ tháng 7 tới tháng 9 năm 2016, các lực lượng vũ trang Nga đã tiếp nhận hàng tá trực thăng và máy bay chiến đấu cũng như 21 đài radar và một số tổ hợp tên lửa bờ Bal và Bastion-P.
Ông nói, "trong khoảng thời gian này các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Nga 4 máy bay chiến đấu, 13 trực thăng với nhiều chủng loại khác nhau, 21 đài radar thế hệ mới, các tổ hợp tên lửa bờ Bal và Bastion-P (số lượng chi tiết mỗi loại không được tiết lộ).
Tuy nhiên, dường như lại vừa mới có một đợt bàn giao vũ khí mới cho quân đội Nga ngay trong tháng 11 này, trong đó, hôm 6-7/ tháng 11, người dân ngoại ô Thủ đô Moscow rất tò mò khi được tận mắt thấy 1 tổ hợp tên lửa bờ Bastion mới tinh được vận chuyển bằng đường sắt dừng đỗ công khai trên một ga tàu mang tên Stroika.
Các xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P trên đoàn tàu dừng đỗ ở ga Stroika, ngoại ô Thủ đô Moscow.
Được phương Tây định danh là SSC-5 Stooge, các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P được đánh giá rất cao và không có đối thủ tương tự trên thế giới, với tầm bắn (với tên lửa Yakhont và các biến thể của nó) lên tới 300km, mỗi tổ hợp tên lửa loại này có thể bao quát, bảo vệ một đường bờ biển lên tới 600km nếu triển khai ở vị trí cố định.
Tuy nhiên, với sức cơ động việt dã cao, chúng có thể nhanh chóng, bất ngờ xuất hiện ở những vị trí bí mật, sẵn sàng giáng đòn tập kích hỏa lực cực mạnh vào lực lượng đổ bộ, tàu chiến của đối phương ở trong tầm hỏa lực.
Theo Sputnik, Quân đội Nga đã bắt đầu tiếp nhận Bastion-P từ năm 2010, cả 3 tổ hợp tên lửa bờ đầu tiên đều thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen. Sau đó, Hạm đội này được tiếp nhận thêm 1 tổ hợp nữa, nâng tổng số lên 4 và Hạm đội Biển Bắc được nhận 2 tổ hợp.
Hiện chưa rõ đoàn tàu chở tổ hợp tên lửa bờ mới này sẽ ngoặt đi theo hướng nào, bàn giao cho đơn vị nào, đóng quân ở đâu. Tuy nhiên, rất có thể chũng sẽ tiếp tục được bàn giao cho Hạm đội Biển đen nhằm tăng cường lực lượng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng lớn của khối NATO.
Như vậy, chỉ riêng Hạm đội Biển Đen đã sở hữu tới 5 tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P, với hàng trăm quả đạn sẵn sàng tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu xuất hiện trong tầm hỏa lực của chúng.
Được biết, ngoài Quân đội Nga, hiện nay đã có ít nhất 2 quốc gia khác đã tiếp nhận và đưa vào vận hành tổ hợp tên lửa bờ hiện đại nhất này là Syria (2 tổ hợp) và Việt Nam (2 tổ hợp). Bên cạnh đó, còn khá nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm và đang nghiên cứu mua sắm Bastion-P.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển di động K300P Bastion-P được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến và các mục tiêu trên bờ trong tầm bắn tới 300km.
Đạn tên lửa hành trình siêu âm bám biển dùng động cơ phản lực tĩnh K310 Yakhont với các cánh ổn hướng/điều hướng gấp gọn trong ống phóng và trọng lượng chờ phóng 3.000 kg.
Khi nhận lệnh phóng, đạn tên lửa kích hoạt buồng đốt thuốc phóng rắn để thoát khỏi ống phóng trước khi mở hệ thống cánh ổn hướng/điều hướng, đồng thời các van điều hướng luồng phụt tại phần đáy đạn và hệ thống tạo luồng phụt tại chóp mũi đạn giúp đạn tên lửa tự ổn định và xoay theo hướng phóng dự kiến.
Khi đạn tên lửa đã nằm đúng hướng phóng, phần chóp mũi che cửa thu khí động cơ phản lực tĩnh của đạn sẽ bị loại bỏ và đạn tiếp tục sử dụng buồng đốt thuốc phóng rắn để hành trình cho tới ngưỡng tốc độ đủ để vận hành động cơ phản lực tĩnh.
Khi tới ngưỡng tốc độ này, phần buồng đốt thuốc phóng rắn bố trí trong lòng buồng đốt phản lực tĩnh và hệ thống van điều hướng luồng phụt phía đáy đạn sẽ bị loại bỏ để nhường chỗ cho buồng đốt phản lực tĩnh T6 dùng nhiên liệu Kerosene vận hành.
Tại thời điểm này, đạn tên lửa có chiều dài 8,1 m, sải cánh ổn hướng là 1,25 m, sải cánh điều hướng là 0,96 m và trọng lượng đầu nổ 200 kg.
Tên lửa đối hạm Yakhont có hiệu quả tác chiến cao nhờ tốc độ nhanh, hành trình bay đa dạng, diện tích phản xạ ra-đa nhỏ do được bọc một lớp vật liệu có tính năng hấp thụ sóng radar, cùng hệ thống dẫn đường quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn ra-đa chủ động/thụ động ở pha cuối.
Với tính năng "bắn rồi quên", đạn tên lửa công kích mục tiêu hoàn toàn tự động sau khi nhận phần tử bắn từ hệ thống trinh sát/điều khiển của tổ hợp.
Cấu hìnhCấu hình cơ bản của tổ hợp gồm 4 xe mang phóng tự hành K340P SPU (trên khung gầm xe tải MZKT-7930), mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa đạn tên lửa; 1 tới 2 xe điều khiển K380P MBU (trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273) có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút cùng các xe bảo đảm khác.
Các thiết bị hỗ trợ ngắm bắn gồm hệ thống radar ngắm bắn bờ biển tự hành Monolit-B hay hệ thống ngắm bắn đường không 1K130E (gồm radar Oko băng sóng dm gắn trên máy bay trực thăng Ka-31).
Thông số kỹ thuật cơ bản
Tầm bắn hiệu quả tối đa:
- Hành trình cao thấp hỗn hợp: tới 300km
- Hành trình toàn thấp: 120km
Độ cao:
- Hành trình cao thấp hỗn hợp (pha phóng/pha cuối): 14,000m/10-15m
- Hành trình toàn thấp: không quá 10-15m
Tốc độ tối đa:
- Hành trình cao thấp hỗn hợp (pha phóng/pha cuối): 750m/s / 680m/s
- Hành trình toàn thấp: 680m/s
Trọng lượng: Đạn tên lửa chờ phóng: 3.000 kg; Ống phóng dạng kín đã chứa đạn: 3.900 kg
Kích thước ống phóng: Dài: 8.900mm; Đường kính: 710mm
Đầu đạn: 200kg
Giãn cách phóng giữa các tên lửa khi bắn loạt: 2,5 giây
Cự ly tự phát hiện mục tiêu bằng ra-đa của đạn tên lửa: 50 km
Hạn sử dụng của đạn tên lửa trong ống phóng: 3 năm