Hiện thông tin về vụ thử đạn tên lửa thuộc tổ hợp Nudol vẫn được giữ bí mật, nhưng đây là dòng vũ khí được thiết kế để bắn hạ mọi mục tiêu trong các tầng quỹ đạo trái đất của Nga, trong đó có vệ tinh và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của đối phương. Nudol là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey.
Một vụ phóng thử tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moscow
Việc thử nghiệm tổ hợp Nudol trong bối cảnh Mỹ vừa triển khai các thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania và sắp tới là tại Ba Lan có thể chính là “câu trả lời” của Moscow.
“Người kế thừa” từ thời Liên bang Xô Viết
Trước khi, A-235 Nudol được giới thiệu, tuân thủ theo Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký năm 1972, Nga và Mỹ phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Thủ đô Moscow và Washington với không quá 100 đạn tên lửa đặt trong giếng phóng cố định.
Kết quả của ABM là việc Mỹ cho ra đời hệ thống tên lửa đánh chặn của mình tại Grand Forks ở bang Bắc Dakota, nhưng sau đó đã loại bỏ nó. Trong khi đó, Nga triển khai tổ hợp A-135 để bảo vệ thủ đô Moscow và nó chính là tiền thân của tổ hợp A-235 Nudol.
Trạm radar Don-2NP - Thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moscow
Giếng phóng chứa tên lửa đánh chặn
Sau khi Liên Xô tan rã, ngay từ năm 1991, Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey đã nhận yêu cầu từ Bộ Quốc phòng Nga dựa trên nền tảng công nghệ tổ hợp A-135 phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa mới với mật danh A-235.
Quá trình phát triển A-235 được thực hiện sau đó thông qua một số dự án như: RTC-181M (tên mã phát triển của A-235) và Samaliot-M (phát triển đầu đạn mới cho tên lửa đánh chặn).
Tới năm 2009, Nga tiết lộ thông tin đã hoàn thành việc phát triển và nâng cấp hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn Don-2NP - “Trái tim” của tổ hợp Nudol.
Thông tin về trạm radar này không được tiết lộ, nhưng chắc chắn nó sẽ mạnh mẽ hơn Don-2NP phiên bản tiêu chuẩn với khả năng bao quát tới 2.000 km (nhiều nguồn tin là 3.700 km) và độ cao tới 40km.
Tầm bao quát của A-235 còn được mở rộng thêm nhờ các trạm radar cảnh báo sớm đặt khắp nước Nga.
Các nguồn tin công khai cũng hé lộ thêm thông tin về tổ hợp A-235 Nudal với việc được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin.
Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500 km và tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 - 1.000 km và 120 km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350 km và độ cao 40 - 50 km.
Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt ICBM của đối phương.
Với vụ phóng thử thành công hôm 25-5, nhiều khả năng tổ hợp A-235 đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ sớm được triển khai để củng cố năng lực phòng thủ tên lửa của lực lượng Phòng không - vũ trụ Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa hợp nhất của SNG
Để tăng cường năng lực phòng không của Nga, Moscow rất tích cực vận động về khả năng hình thành hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hợp nhất của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hệ thống này cho phép các hệ thống phòng không đơn lẻ của mỗi nước trong khu vực có thể liên kết và trao đổi thông tin với nhau để nâng cao hiệu quả tác chiến.
Khi đưa hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa chung của Nga và các quốc gia SNG đi vào hoạt động, ranh giới giữa hệ thống phòng thủ tên lửa cấp chiến lược và chiến thuật của các nước sẽ được hợp nhất.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ hệ thống phòng thủ tên lửa cố định, phòng thủ điểm của Nga sẽ biến thành hệ thống hợp nhất các tổ hợp tên lửa phòng không chiến thuật, chiến dịch ở phạm vi khu vực.
Với những thành phần phòng không đã được triển khai và được Nga cung cấp cho Belarus, Kazakhstan, hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hợp nhất sẽ bao gồm:
Các tổ hợp phòng không tầm ngắn Tunguska, Tor-M2, Pantsir-S1; tầm trung-xa S-300, S-400 và S-500 (trong tương lai gần) và hệ thống phòng thủ thượng tầng sẽ là hệ thống A-235.