Dạo gần đây, trên internet lan truyền khá nhiều các video gợi ý các thủ thuật Windows khá hay. Tuy nhiên, có một số video có tiêu đề về thủ thuật nhỏ giúp chơi game "mượt hơn" bằng cách sử dụng tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B trong lúc chơi game. Và theo lí giải của các video này thì hành động này sẽ làm chỉ số FPS tăng lên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hành động này trong lúc chơi game hoàn toàn không giúp chơi game "mượt hơn" hay tăng FPS, mà ngược lại có thể gây nên hiện tượng treo máy nếu lạm dụng quá nhiều. Hay "xui" hơn là nếu bạn đang trong một trận Rank quan trọng thì có thể sẽ bị thoát game ngay lập tức.
Vậy tác dụng thật sự của tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B là gì?
Thật ra, tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B có tác dụng làm mới (Reset) lại driver đồ họa trên máy tính về lại trạng thái ban đầu khi khởi động máy tính. Tổ hợp này chỉ khả dụng khi bạn nhận thấy màn hình máy tính bị đơ hay lỗi hiển thị kiểu như Visual Artifacts. Khi đó, bạn sử dụng tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B để khắc phục.
Tại sao sử dụng tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B khi chơi game có thể gây treo máy?
Trong quá trình bạn chơi game, hệ thống máy tính sẽ hoạt động hết công suất và tận dụng tối đa tài nguyên hệ thống, cũng như sức mạnh của các thành phần phần cứng để xử lí. Khi đó, nếu bạn sử dụng tổ hợp phím tắt Win + Ctrl + Shift + B sẽ làm cho "quy trình" này bị đứt gãy, làm xáo trộn tiến trình. Do đó, việc treo máy hay thoát game đột ngột rất dễ xảy ra.
Vậy tóm lại, có nên sử dụng tổ hợp phím tắt Win Ctrl Shift B khi chơi game?
Không nên.
Nếu tôi gặp phải tình trạng giựt lag khi chơi game thì phải làm thế nào?
Đầu tiên, bạn nên tham khảo cấu hình tối thiểu và cấu hình lý tưởng của tựa game mình chơi để từ đó tiến hành nâng cấp máy tính cho phù hợp. Tiếp theo, đối với các tựa game trực tuyến, bạn nên đảm bảo kết nối internet của mình ổn định và tốc độ cao. Khi đó, việc giựt lag khi chơi game chắc chắn sẽ không xảy ra nữa.
Một lần nữa, các kiến thức về máy tính có rất nhiều. Việc chia sẻ nó đến mọi người là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, người chia sẻ cũng phải tìm hiểu kĩ nội dung mình sắp "xuất bản" nhằm tránh các phản hồi không tốt, cũng như gây ảnh hưởng đến người theo dõi nội dung.