Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới

Nguyệt Phạm |

Nhờ những "trợ thủ" đặc lực, tổ chức này đã đạt được những con số ấn tượng.

Nội dung chính

  • Trung tâm cứu hộ thành công cá thể tê tê nhiều nhất trên thế giới.
  • Đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu bảo tồn

10 năm cứu hộ 4.280 cá thể động vật hoang dã

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife – SVW) tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (22/7/2014 - 22/7/2024). Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW đã có báo cáo tổng kết quá trình 10 năm thành lập và phát triển. 

Theo ông Thái, nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, vườn quốc gia, khu bảo tồn và đối tác, đối với công tác cứu hộ, trung tâm đã cứu hộ 4.280 cá thể động vật hoang dã thuộc hơn 60 loài bản địa; tái thả 1.274 cá thể động vật về tự nhiên, đóng góp trong việc làm giàu hệ sinh thái và phục hồi quần thể tự nhiên của các loài; gỡ 24.393 bẫy thú kịp thời được tháo gỡ, 30.017 chuyến tuần tra đã thực hiện và hơn 40.000 người dân được tiếp cận với các sự kiện bảo tồn.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thái, nhà sáng lập, Giám đốc của SVW phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của trung tâm. (Ảnh: SVW)

Theo thông tin trên trang web của SVW, tính từ năm 2014 đến 6/2023, trung tâm đã thực hiện cứu hộ thành công 1651 cá thể tê tê, nhiều nhất trên thế giới.

10 năm là một chặng đường đủ dài để SVW xây dựng nên thương hiệu của mình như một tổ chức bảo tồn chuyên nghiệp, thông qua những hoạt động, dự án bảo tồn dài hạn, đem lại giá trị bền vững.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 2.

Trong suốt 10 năm hoạt động, SVW đã cứu hộ 4.280 cá thể động vật hoang dã thuộc hơn 60 loài bản địa. (Ảnh: SVW)

35.568 là số lượt ghi nhận các cá thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên thông qua hệ thống bẫy ảnh của SVW trong gần 10 năm qua. Đây là một con số ấn tượng, góp phần chứng minh mức độ đa dạng sinh học phong phú tại nhiều khu vực tại Việt Nam.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 3.

Thông qua bẫy ảnh, SVW đã thu thập được nhiều dữ liệu quý giá về nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm và đang được ưu tiên bảo tồn. (Ảnh: SVW)

Thông qua bẫy ảnh, SVW đã thu thập được nhiều dữ liệu quý giá về nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm và đang được ưu tiên bảo tồn như Tê tê Java, Tê tê vàng, Cầy vằn, Rái cá lông mũi, Cầy gấm… Đặc biệt vào năm 2023, SVW đã chụp được hình ảnh một cầy mực, cũng là cá thể đầu tiên được ghi nhận ngoài tự nhiên qua bẫy ảnh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 175 hình ảnh tê tê ngoài tự nhiên cũng được ghi lại, cho thấy cho sự phát triển của các quần thể tê tê hoang dã. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực của các đơn vị bảo tồn, trong đó có SVW.

Công nghệ cao hỗ trợ bảo vệ động vật hoang dã

Trong 10 năm qua, SVW cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu bảo tồn. 

Tính đến nay, SVW đã lắp đặt hệ thống hơn 1000 bẫy ảnh ghi nhận hình ảnh động vật hoang dã ngoài tự nhiên tại các khu vực bảo tồn trọng điểm và các khu vực từng ghi nhận sự hiện diện của các loài. Một số "trợ thủ" đắc lực của SVW như Wildlife drone và thiết bị thu sóng radio dùng trong theo dõi tê tê sau tái thả; hay máy bay không người lái tầm nhiệt và camera AI được đưa vào dự án bảo tồn voi nhằm phát hiện voi trong khu vực và gửi cảnh báo tới người dân.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 4.

SVW cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu bảo tồn. (Ảnh: Andrea Pistolesi from Global Conservation)

Đặc biệt, SVW là đơn vị đầu tiên ở trên thế giới triển khai giám sát tê tê sau khi tái thả bằng cách sử dụng công nghệ máy bay không người lái thu tín hiệu sóng radio từ các thiết bị đã gắn lên tê tê.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 5.

SVW đưa máy bay không người lái tầm nhiệt và camera AI vào dự án bảo tồn voi. (Ảnh: SVW)

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 6.

SVW là đơn vị đầu tiên ở trên thế giới triển khai giám sát tê tê sau khi tái thả bằng cách sử dụng công nghệ máy bay không người lái. (Ảnh: SVW)

Chặng đường một thập kỷ đã qua, SVW đã kiến tạo nhiều dấu mốc hợp tác, thông qua các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và gây quỹ bảo tồn động vật hoang dã, các khóa hợp tác đào tạo. Trung tâm đã kết nối với hơn 30 tổ chức bảo tồn, 15 doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước, hơn 10 đối tác khác như đại sứ quán, cơ sở giáo dục, mạng lưới thanh niên.

Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến là chiến dịch từ chối sử dụng túi đựng (BOO) với 58.881 lượt khách từ chối túi đựng khi mua hàng trong tuần đầu chạy chiến dịch, với mỗi túi đựng được từ chối sẽ đóng góp hai nghìn đồng vào quỹ bảo tồn động vật hoang dã. Bên cạnh đó là Chiến dịch UpRace - Chạy vì động vật hoang dã (Biti's Hunter), với số tiền gây quỹ giúp hỗ trợ cứu hộ thành công 200 cá thể, bảo vệ 180,000 ha sinh cảnh rừng. 

Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai chiến dịch Rừng Việt Nam, giúp triển khai trồng rừng, tổ chức tập huấn tại các vùng hoạt động của SVW, xây dựng đời sống việc làm bền vững cho bà con xung quanh khu vực các VQG.

Tổ chức Việt Nam dùng công nghệ cao bảo vệ động vật hoang dã: Có một thứ đang đi đầu thế giới- Ảnh 7.

SVW đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và VQG Cúc Phương. (Ảnh: SVW)

Trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm, SVW đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và VQG Cúc Phương. Hy vọng trong tương lai, SVW sẽ có thể tiếp tục nhân rộng phạm vị địa bàn triển khai và mở rộng các dự án bảo tồn hơn nữa, trong đó không chỉ tập trung vào bảo tồn loài, mà còn, bảo vệ hệ sinh thái, tái hoang dã lại những gì đã mất trong tự nhiên. Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng những chiến dịch dài hạn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của mọi người trong việc sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại