Cuối thời kỳ nhà Thanh, Từ Hy Thái hậu buông rèm nhiếp chính, triều đình lục đục, xã hội rối ren. Các thế lực phương Tây ở bên ngoài ra sức nhòm ngó khiến Trung Hoa rơi vào cảnh thù trong, giặc ngoài.
Trước bối cảnh ấy, nhiều nghĩa sĩ yêu nước đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa Hòa Đoàn chính là một đại diện tiêu biểu cho phong trào yêu nước nổi bật thời bấy giờ.
Nói đến Nghĩa Hòa Đoàn, có lẽ nhiều người không lạ song bên trong phong trào này còn có một tổ chức nhỏ, vô cùng thần bí mang tên Hồng Đăng Chiếu.
Tổ chức bí ẩn nhất trong phong trào Nghĩa Hòa Đoàn
Lực lượng của Nghĩa Hòa Đoàn từng xuất hiện một tổ chức thần bí tập hợp các cô gái trẻ, đó chính là Hồng Đăng Chiếu. (Tranh minh họa).
Các sử gia hiện đại đánh giá, sự nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn vốn dĩ đã mang màu sắc thần bí và có phần mê tín.
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ, thường dân, bách tính hầu như khá tin vào những quan niệm về thần tiên, ma quỷ. Hơn nữa nhân dân đang trong cảnh khổ cực, lầm than, Nghĩa Hòa Đoàn đã lợi dụng tâm lý này của mọi người để nhanh chóng phát cớ khởi nghĩa.
Trong nội dung tuyên truyền của phong trào này, mỗi thành viên của họ đều được tin là không bị đao kiếm làm bị thương, không sợ súng đạn của người phương Tây. Dù đó không phải là sự thật, nhưng những câu chuyện đánh vào lòng tin ấy lại rất được người đương thời ủng hộ.
Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Nghĩa Hòa Đoàn đã tập hợp được hàng chục nghìn người gia nhập. Và tổ chức bí ẩn mang tên Hồng Đăng Chiếu cũng là một trong số đó.
Toàn bộ thành viên của Hồng Đăng Chiếu đều là nữ giới. Danh tính của họ cũng như hoạt động của tổ chức này đều vô cùng thần bí.
Tương truyền rằng, người của Hồng Đăng Chiếu đều là những cô gái trẻ tuổi. Họ thường phải mặc y phục màu đỏ, tay trái cầm một chiếc quạt giấy hồng, tay phải cầm một chiếc đèn lồng đỏ, vì vậy mới có tên là Hồng Đăng Chiếu.
Phụ nữ thi nhau gia nhập Hồng Thanh Chiếu vì muốn trở thành... tiên nữ!
Các thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn đã thêu dệt nên rất nhiều câu chuyện mang màu sắc thần bí xoay quay Hồng Đăng Chiếu.
Người dân thời đó cũng vì vậy mà tin rằng, phụ nữ chỉ cần gia nhập tổ chức này là sẽ trở thành "tiên nữ hạ phàm".
Có giai thoại kể lại rằng, người của Hồng Đăng Chiếu đều biết pháp thuật, lại sở hữu khinh công tuyệt thế, chỉ cần phẩy nhẹ quạt giấy trong tay là có thể bay thẳng lên trời, tay còn lại quăng đèn lồng đỏ ra là xung quanh hóa thành biển lửa.
Dưới con mắt của những người hiện đại, đó chỉ là những câu chuyện thêu dệt hoang đường. Nhưng ở xã hội cuối thời nhà Thanh, truyền kỳ này lại được rất nhiều phụ nữ tin tưởng. Chính vì vậy, không ít người đã chịu khó, chịu khổ, tìm đủ mọi cách để tranh nhau gia nhập Hồng Đăng Chiếu.
Bức ảnh hiếm hoi chụp lại một thành viên của Hồng Đăng Chiếu. (Nguồn: Baike).
Sức chiến đấu kinh hoàng của những thành viên Hồng Đăng Chiếu
Người sáng lập ra tổ chức thần bí ấy chính là Lâm Hắc Nhi. Nhân vật này được dân gian thời bấy giờ tôn làm "Hoàng Liên Thánh Mẫu".
Hầu hết phụ nữ đương thời giờ đều tôn sùng giáo chủ họ Lâm này lên hàng thánh thần. Thậm chí có giai đoạn, xã hội còn lưu truyền câu nói: "Không bái thần, không bái Phật, chỉ bái Hoàng Liên Thánh Mẫu".
Bởi sức ảnh hưởng quá lớn như vậy, mà Lâm Hắc Nhi chỉ cần hiệu triệu là sẽ có vô số người đầu quân cho tổ chức Hồng Đăng Chiếu.
Thủ lĩnh Hồng Đăng Chiếu là Lâm Hắc Nhi từng được phụ nữ thời xưa tôn thờ như bậc thần thánh. (Ảnh minh họa).
Tuy những lời tuyên truyền của tổ chức này hết sức hoang đường, nhưng không thể phủ nhận rằng thành viên của họ sở hữu khả năng chiến đấu vô cùng lợi hại. Trước hết về mặt tâm lý, họ đều tin rằng mình là tiên nữ hạ phàm và có năng lực của thần tiên.
Sau khi gia nhập hội, những cô gái này phải trải qua quá trình huấn luyện vô cùng nghiêm khắc. Nhờ vậy mà trong nhiều lần giao chiến với người phương Tây, thành viên của Hồng Đăng Chiếu khiến kẻ địch phải khiếp sợ về độ dũng mãnh của mình
Những người phụ nữ một khi đã gia nhập Hồng Đăng Chiếu thì không bao giờ biết chùn bước trên chiến trường. Bởi họ có niềm tin vững chắc rằng súng đạn, đao kiếm không thể làm bị thương được mình.
Nhưng cũng chính vì vậy mà có không ít người đã ngã xuống trước vũ khí của kẻ thù.
Sức chiến đấu của những hội viên nữ thuộc Hồng Đăng Chiếu từng khiến quân đội Tây Dương nhiều lần khiếp sợ. (Tranh minh họa).
Ngay cả khi nhận được sự ủng hộ của dân chúng, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn cùng tổ chức Hồng Đăng Chiếu vẫn không tránh khỏi kết cục thất bại.
Nguyên nhân chủ yếu là do Từ Hy một mặt cổ vũ Nghĩa Hòa Đoàn chống lại phương Tây, mặt khác lại cấu kết với người Tây phương để tiêu diệt tổ chức này.
Nghĩa Hòa Đoàn đã sụp đổ trong bối cảnh phức tạp như vậy. Tổ chức Hồng Đăng Chiếu cũng nhanh chóng chìm vào dĩ vãng, để lại nhiều giai thoại chưa có lời giải trong lịch sử Trung Hoa.