Tố chất làm nên một nhà lãnh đạo thực thụ: Con người cũng giống như một dòng sông, càng sâu thì càng trầm lặng

Ngọc Hà |

Không phải lãnh đạo giỏi nào cũng khiêm nhường. Tuy nhiên, theo chuyên gia về trí thông minh cảm xúc Harvey Deutschendorf, những người sở hữu nét tính cách này luôn được các doanh nghiệp săn đón là có lý do của nó.

Khi nói đến những nhà lãnh đạo kiệt xuất, khiêm nhường không phải là từ đầu tiên mọi người sẽ dùng để miêu tả họ. Steve Jobs hay Bill Gates ban đầu thường được miêu tả như là những nhân tài có tầm nhìn xa, cứng rắn và lôi cuốn.

Một khảo sát đăng tải trên Tạp chí Quản trị đã cho thấy, sếp càng khiêm nhường thì nhân viên càng làm việc hiệu quả hơn, hợp tác tốt hơn và linh hoạt hơn. Ngoài ra, các lãnh đạo khiêm nhường thường lắng nghe nhiều hơn, từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm.

Dưới đây là 7 lý do cho thấy tại sao những vị sếp khiêm nhường lại được săn đón đến vậy.

Không lạm dụng thẩm quyền

Tại công sở, không thiếu các giai thoại kinh khủng về những vị lãnh đạo tồi tệ: luôn “đói khát” quyền lực và địa vị, gây ra biết bao thiệt hại cho tổ chức và nhân viên cấp dưới.

Một lãnh đạo khiêm nhường sẽ chỉ coi bản thân là người cố vấn, hướng dẫn. Họ luôn tìm cách để khuyến khích người khác, giúp cấp dưới phát huy khả năng của bản thân. Thay vì kiểm soát và lạm quyền, họ tìm cách phân bổ công việc và cho nhân viên cơ hội để phát triển tăng cường khả năng lãnh đạo.

Liên tục giúp cấp dưới phát triển

Những nhà lãnh đạo khiêm nhường luôn hy vọng cấp dưới thành công, không ngừng tìm cách để nhân viên phát huy năng lực và khả năng lãnh đạo của họ. Họ sẽ đề bạt cấp dưới dựa trên kỹ năng, tài năng và độ chăm chỉ. Khác với những vị sếp tự mãn, họ sẽ không bị mờ mắt bởi loại nhân viên chỉ biết nịnh nọt để thăng tiến.

Không sở hữu cái tôi lớn, các nhà lãnh đạo khiêm nhường cũng chẳng dễ bị mua chuộc bởi những “lời có cánh”. Sự khiêm nhường cho phép họ tập trung vào bức tranh toàn cảnh và hiểu rằng sự thành công của doanh nghiệp đều dựa vào những nhà lãnh đạo chân chính và xứng đáng.

“Lãnh đạo giỏi sẽ dẫn dắt cấp dưới làm việc chăm chỉ hơn, tự tin hơn và hiệu quả hơn”, Dan Pontefract - tác giả cuốn “Lead. Care. Win.” - cho biết.

Tố chất làm nên một nhà lãnh đạo thực thụ: Con người cũng giống như một dòng sông, càng sâu thì càng trầm lặng - Ảnh 2.

Đề cao tinh thần làm việc nhóm

Sự cạnh tranh quá gay gắt nơi công sở có thể khiến các nhân mất niềm tin vào nhau, lãng phí thời gian vào việc tranh giành vị trí thay vì tập trung hoàn thành công việc.

Thay vì để cấp dưới ganh đua, một nhà lãnh đạo khiêm nhường sẽ khuyến khích và trao thưởng cho những người biết hợp tác. Điều này sẽ nâng cao khả năng làm việc nhóm, bồi đắp niềm tin giữa các cá nhân với nhau. Nhờ đó, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái mà phát huy khả năng tốt nhất của mình.

Trở thành tấm gương về sự liêm chính và tin tưởng

Các lãnh đạo khiêm nhường sẽ không bao giờ hứa điều họ không thể làm, hay gây dựng uy tín bằng khoác lác hay tự cao tự đại. Họ có gì làm nấy. Thay vì khua môi múa mép bằng những từ ngữ bóng bẩy, họ sẽ hành động để chứng minh lời nói.

Luôn một lòng hướng về tập thể, các vị sếp khiêm nhường sẽ luôn tìm cách giúp đỡ thay vì coi thường cấp dưới. Họ sẵn sàng can thiệp vào những tình huống khó khăn khi cần thiết. Nhờ vậy, họ giành được sự tôn trọng và tin tưởng từ các nhân viên dưới quyền mình.

Hỗ trợ nhân viên hết mình

Một người lãnh đạo khiêm nhường sẽ luôn quan sát, ghi nhận và khen thưởng cho những nhân viên làm tốt. Khi có vấn đề phát sinh, họ sẽ tìm cách giải quyết và cho cấp dưới cơ hội sửa sai, thay vì đổ lỗi và trừng phạt.

Dù vậy, khiêm nhường không có nghĩa là dễ tính. Ngay cả những vị sếp khiêm nhường nhất cũng đặt ra giới hạn rõ ràng.

Nhờ đó, nhân viên biết họ cần làm gì và không lo bị chỉ trích, trách mắng hay hạ nhục trước mặt các đồng nghiệp khác. Kể cả khi phạm phải sai lầm, họ cũng sẽ được các sếp lắng nghe, thấu hiểu và cho cơ hội để sửa chữa.

Tố chất làm nên một nhà lãnh đạo thực thụ: Con người cũng giống như một dòng sông, càng sâu thì càng trầm lặng - Ảnh 4.

Sẵn sàng thừa nhận sai lầm và thiếu sót

Các nhà lãnh đạo khiêm nhường không cần phải chứng tỏ mình là người thông minh nhất trong phòng. Họ có đủ tự tin vào bản thân, không cảm thấy bị đe dọa khi người khác giỏi hơn mình.

Khi gặp sai lầm, những vị sếp này luôn cởi mở thừa nhận sai lầm thay vì che đậy chúng. Nếu ai đó đề xuất ý tưởng hay hơn, họ sẽ không ngần ngại mà chấp nhận.

Họ không coi sự dễ bị tổn thương là một điểm yếu, mà là một cách để cho phép nhân viên cũng được tổn thương như mình. Điều này tạo nên một môi trường công sở lành mạnh, cởi mở, đầy tình cảm và ít áp lực, nhờ đó nhân viên có thể thoải mái là chính mình và tập trung vào công việc.

“Thừa nhận sai lầm và nói xin lỗi là cách để chứng tỏ tinh thần trách nhiệm”, Pontefract giải thích. “Hai hành động này giúp người lãnh đạo thể hiện được sự chân thành của mình. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là con người”.

Là người đầu tiên chịu trách nhiệm và là người cuối cùng nhận công

Các vị sếp khiêm nhường luôn đứng ra chịu trách nhiệm khi công việc có sai sót. Mặt khác, họ không ngại khen ngợi cấp dưới khi mọi chuyện diễn ra như ý.

Những người này đề cao tinh thần tập thể, luôn tìm cách để ủng hộ và phát huy tốt nhất khả năng của nhân viên. Khi nhân viên làm việc tốt, họ hiếm khi nhận công về mình. Họ hiểu được tầm quan trọng của việc ghi nhận, khen thưởng và động viên cấp dưới, để cấp dưới nỗ lực hết mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại