Du khách Trung Quốc "đổ bộ" Campuchia
Tại Siem Reap, trung tâm du lịch và là điểm khởi hành cho chuyến đi tới khu quần thể Angkor Wat nổi tiếng, một số chủ cửa hàng lên tiếng phàn nàn vì cơ cấu thị trường ngày càng phụ thuộc vào du khách Trung Quốc.
Channy Murphy, chủ quán rượu kiểu Ireland Mad Murphy, cho biết các khách hàng phương Tây đã trở nên thưa thớt hẳn.
Suốt những năm 2000, ngành du lịch của Campuchia nhận được sự quan tâm lớn của các nước phương Tây. Du khách Mỹ, Pháp và Anh đóng góp tỉ trọng lớn trong doanh thu từ du lịch của quốc gia này. Hiện nay, cơ cấu du khách đã thay đổi nhiều, với phần lớn khách du lịch tới từ Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.
Năm ngoái, Campuchia đã đón 5 triệu lượt khách và ngành du lịch chiếm tới 32,4% GDP cả nước. Quốc gia này đang quyết tâm thực hiện kế hoạch đón 12 triệu du khách vào năm 2025.
Khi tới thăm thủ đô Phnom Penh vào tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã thảo luận về việc làm thế nào để nhiều khách Trung Quốc tới thăm Campuchia hơn.
Dựa theo trải nghiệm bản thân, chủ quán Murphy nhận định các khách Trung Quốc thường đi theo đoàn và hiếm khi tách khỏi lịch trình đã định.
"Họ đặt phòng khách sạn, mọi thứ đều được lên kế hoạch trước. Họ không bao giờ tự đi lẻ."
Bill Laurance - một nhà sinh thái học tại Đại học James Cook ở Australia, chuyên nghiên cứu về hoạt động của Trung Quốc tại nước ngoài - đồng ý rằng các du khách Trung Quốc thường có xu hướng tránh những cơ sở kinh doanh bản địa.
"Theo như tôi biết, khách du lịch Trung Quốc thể hiện rất rõ ràng rằng họ ưa chuộng các cơ sở kinh doanh do người Trung Quốc làm chủ và điều hành, có thể kể tới nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách hoặc các công ty du lịch.
Khi hoạt động tại nước ngoài, chủ doanh nghiệp Trung Quốc thường ưu tiên thuê nhân viên Trung Quốc hơn là lao động địa phương."
Do đó, thay vì "chảy vào túi" người dân Campuchia, số tiền khách du lịch tiêu trong chuyến đi lại quay trở về tay các doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ - ông Laurance nói.
Him Samnang - một hướng dẫn viên du lịch của Angkor Focus Travel tại Siem Reap - đồng ý rằng khách Trung Quốc thường chọn khách sạn và nhà hàng của người Trung Quốc.
Một công trường xây dựng tại Diamond Island - dự án phát triển lớn do Trung Quốc đầu tư tại Phnom Penh. Ảnh: Reuters
"Hầu hết du khách đều tới cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc. Họ không thường lựa chọn cửa hàng và dịch vụ của người Campuchia".
Chhay Sivlin, Chủ tịch Hiệp hội các Đại lý Du lịch Campuchia, cho rằng xu hướng này thể hiện rõ rệt vấn đề trong rào cản ngôn ngữ và chính sách của chính phủ.
"Bởi người nước ngoài có quyền mở cơ sở kinh doanh tại Campuchia nên hàng loạt nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô tới đây. Và cũng vì rào cản ngôn ngữ nên khách Trung Quốc thường thích sử dụng các dịch vụ của 'đồng hương' hơn là của người Campuchia."
Tuy nhiên, bà Chhay cũng khẳng định các cơ sở kinh doanh cho người Trung Quốc làm chủ đã đem lại nguồn thu nhập tích cực cho đất nước.
Bất đồng giữa người dân Campuchia và doanh nghiệp Trung Quốc
Sihanoukville, một thành phố cảng ở vùng biển miền nam Campuchia, đã tăng trưởng vượt bậc trong ngành sản xuất, du lịch và kinh doanh sòng bạc nhờ vào nguồn đầu tư Trung Quốc.
Nhưng sự tăng trưởng đã gây ra nhiều căng thẳng. Giá khách sạn tăng vọt - vượt khả năng chi của hầu hết người dân Campuchia - và kéo theo hiện tượng khách du lịch trong nước sụt giảm nhanh chóng. Chính phủ Campuchia thậm chí đã phải thành lập một đội chuyên trách để xử lí căng thẳng giữa các doanh nghiệp Campuchia và doanh nghiệp Trung Quốc.
Một phụ nữ Campuchia dùng cờ Trung Quốc để che nắng khi nghe ông Hun Sen phát biểu về dự án do Trung Quốc đầu tư. Ảnh: AP
Hồi năm 2006, ông Hun Sen đã gọi Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia". Từ đó tới nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đã gây ra sự bất đồng sâu sắc giữa những người dân Campuchia. Theo SCMP, không khó để bắt gặp người dân bản địa "nói xấu" Trung Quốc trong khi báo chí nước này vẫn thường xuyên đăng tải hoạt động phạm tội của người Trung Quốc tại Campuchia.
Số liệu của cảnh sát Campuchia cho biết, trong số 378 người nước ngoài bị bắt giữ trong nửa năm đầu 2018, có tới 257 người Trung Quốc.
Tuy nhiên, đầu tư và du lịch Trung Quốc vẫn đem về một khoản lợi nhuận khổng lồ cho Campuchia - quốc gia đạt mức tăng trưởng 7% GDP hàng năm trong suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên, du khách Trung Quốc sẽ không thể trở thành nguồn doanh thu lâu dài của Campuchia. Chhay Sarath, Phó giám đốc bộ phận đầu tư du lịch của Bộ du lịch Campuchia, cho biết chính phủ đang có ý định đa dạng hóa thị trường du lịch.
"Bộ Du lịch Campuchia đang đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc," ông nói.
Gần đây, các nhà chức trách tại Bộ Du lịch đang cố gắng thu hút khách từ Thái Lan và Nhật Bản tới Campuchia. Nhưng tại thời điểm hiện tại, du khách Trung Quốc vẫn là "mỏ vàng" đối với ngành du lịch Campuchia.