Theo dữ liệu của báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về chỉ số cơ sở hạ tầng, kể từ năm 2015 cho đến 2021, Bình Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng. Song, trong báo cáo PCI 2022 mới được công bố gần đây, thứ hạng của Bình Dương đã có sự thay đổi.
Cụ thể, kết quả báo cáo PCI 2022 chỉ ra rằng, trong năm 2022, 5 tỉnh, thành phố đứng đầu xếp hạng về chất lượng cơ sở hạ tầng lần lượt là Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và Đồng Nai.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.
Cụ thể, hiện nay hạ tầng kết nối đường bộ, đường thủy nội địa đối với khu vực Quảng Ninh khá tốt, hiện đảm bảo hàng đến và đi từ cảng. Cảng biến Quảng Ninh gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và tạo động lực phát triển kinh tế toàn vùng.
Đây cũng là một trong 3 cảng thuộc nhóm I, trực tiếp đáp ứng nhu cầu vận tải đường biển phục vụ các tỉnh vùng núi phía Bắc và thủ đô, tổng lượng hàng qua cảng tương đương 75% của cảng Hải Phòng.
Xác định vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Trong giai đoạn 2015-2020, đã nâng cấp, cải tạo 228km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 126,7km đường tỉnh; cải tạo, duy tu làm mới 1.250km đường huyện, 3.750km đường giao thông nông thôn, miền núi.
Trong đó, kết quả ấn tượng nhất phải kể đến là đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn , cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về hoạt động hợp tác liên kết vùng, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ để triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối như: Phối hợp với Hải Dương xây dựng cầu Triều kết nối Đông Triều với Kinh Môn; phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai các thủ tục xây dựng dự án cầu Rừng, dự án cầu Lại Xuân, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10. Tiếp tục đề xuất triển khai dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B, Quốc lộ 279; xem xét khởi động lại đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Ninh sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới?
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị) gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).
Trong đó tập trung các công trình: cầu Rừng; cầu Lại Xuân; cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên; cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong với Lạch Huyện; Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; Đầu tư mở rộng Quốc lộ 279 kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên, Quốc lộ 4B,... Hạ tầng giao thông kết nối các đảo từ Đầm Hà - Cái Chiên - Vĩnh Thực; các đảo của huyện Vân Đồn.
Bên cạnh đó, địa phương đặt kế hoạch quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Đông Triều tới Móng Cái và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế,...
Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một số cảng biển quan trọng như: Nam Tiền Phong (khu bến Yên Hưng), Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa; xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục.
Đồng thời, quy hoạch các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; trung tâm logistics chuyên dùng gắn với sân bay Vân Đồn; trung tâm logistics gắn với cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển các cảng, bến trên các tuyến vận tải chính, các tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, luồng đường thủy nội địa địa phương.