Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thanh Hóa sẽ phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa hiện chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của Thanh Hóa đến năm 2045 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới. có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.
Quy hoạch Cảng HKQT Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng HKQT Nội Bài, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm, loại tàu bay khai thác code E hoặc tương đương. Tổng vị trí đỗ tàu bay là 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Quy hoạch nhu cầu sử dụng dất đến năm 2030 là 884,86 ha.
Quy hoạch cảng biển Nghi Sơn gắn liền với khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; một khu vực phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, dịch vụ gắn với khai thác hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.
Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ đưa vào quản lý khai thác 818,5 km đường thủy nội địa; trong đó 249,5 km đường thủy nội địa do Trung ương quản lý, 569 km đường thủy nội địa do địa phương quản lý. Quy hoạch 7 càng gồm 1 cảng khách Hàm Rồng và 6 càng tổng hợp hàng hóa: Hoằng Lý, Đò Lèn, Hải Châu, Bình Minh (Lạch Bạng), Lạch Trường, Mộng Giường. Hệ thống bến thủy nội địa gồm 80 bến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát huy tối đa công suất và mở rộng, nâng công suất.
Xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại khu kinh tế Nghi Sơn; trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây thành phố Thanh Hoá với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha và trung tâm logistics tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với quy mô tối thiểu khoảng 20 ha.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đưa đô thị du lịch Sầm Sơn thành một trong những trọng điểm du lịch biển của cả nước. Dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, Sầm Sơn cũng là địa điểm du lịch có doanh thu hàng đầu cả nước, là ngôi sao du lịch đại điện cho miền Bắc.
Đẩy mạnh du lịch biển ở các khu du lịch tiềm năng còn lại như Hải Tiến, Hoằng Trường (Hoằng Hóa), khu du lịch Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) và khu vực ven biển huyện Quảng Xương. Phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển đảo tại khu vực đảo Hòn Nẹ và Hòn Mê; du lịch khám phá đáy biển và các loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khác như nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo...
Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tập trung tại các khu vực được phép phát triển du lịch thuộc vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các vùng lân cận; trọng tâm là Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Suối cá Cẩm Lương, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ và các điểm du lịch sinh thái tại các huyện miền núi...
Giai đoạn từ 2026 đến 2030, Thanh Hóa sẽ hoàn thành Sân vận động trung tâm 30.000 chỗ ngồi; xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên Thanh Hóa (quy mô Bắc Miền Trung); tiếp tục xây dựng một số công trình thuộc Khu Liên hợp thể dục thể thao tỉnh và các Trung tâm thể dục thể thao vùng huyện. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có đầy đủ 03/03 công trình thể dục thể thao cơ bản và các công trình thể thao khác.
Thanh Hóa đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2/3 công trình thể dục thể thao cơ bản (gồm sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi) và các công trình thể thao khác vào năm 2045.