7.000 tỷ đồng cho khoảng 25 km cao tốc 4 làn xe
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua địa phận Ninh Bình đã được HĐND tỉnh Ninh Bình đã thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 12/2024 với tổng chiều dài là 25,3km.
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô và điểm cuối nằm ở cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh.
Trên địa bàn Ninh Bình, cao tốc có bề rộng nền đường 24,75m, bao gồm 12 cầu, khoảng 20km đường gom, một trạm dừng nghỉ và 19 hầm chui dân sinh.
Cụ thể, 9 cầu trên tuyến chính đều có bề rộng cầu là 24,75m, bao gồm cầu qua QL 1A và đường sắt Bắc - Nam, dài khoảng 585 m; cầu Khánh Trương dài khoảng 57m; cầu Trà Tu dài khoảng 115m; cầu Sông Vạc dài khoảng 572m; cầu vượt QL 10 dài khoảng 373m. Cầu sông Dưỡng Điềm dài khoảng 57m; cầu kênh Tiền Hoàng dài khoảng 57m; cầu vượt ĐT 481B dài khoảng 66m; cầu Khánh Trung dài khoảng 57m.
Ba cầu vượt ngang bao gồm cầu vượt ĐT 483B, bề rộng cầu là 12m, dài khoảng 179m; cầu vượt trục PTKT xã Yên Hưng, rộng 7,5m, dài khoảng 179m; cầu vượt ĐH 53 rộng 7,5m, dài 177m.
Bên cạnh đó, ba nút giao được xây dựng trên tuyến bao gồm nút giao Khánh Dương, tuyến cao tốc CT 08 giao ĐT 483B tại Km5+450, cách nút giao Mai Sơn 5,45 km, cách nút giao QL 10 khoảng 10,45 km, vị trí giao nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các đô thị lớn (đô thị Ninh Bình và đô thị Tam Điệp) và các khu công nghiệp quan trọng của tỉnh (KCN Yên Bình, cụm công nghiệp Khánh Thượng).
Dự án được thực hiện theo mô hình PPP, hiện đang chuẩn bị đầu tư và sẽ có 4 làn xe. Tổng kinh phí dự án là 6.971 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Ninh Bình chi 2.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và các chi phí liên quan, ngân sách Trung ương đóng góp 4.971 tỷ đồng.
Dự kiến dự án sẽ khởi công vào quý I năm 2025, hoàn thành vào quý IV năm 2027 và bắt đầu vận hành từ năm 2028.
Kết nối di sản thế giới với loạt sân bay, cửa khẩu, cảng biển quốc tế
Ninh Bình được biết đến với khu danh thắng Tràng An, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi nhận từ năm 2014. Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á và là duy nhất tại Việt Nam.
Với thế giới, Ninh Bình của Việt Nam nổi tiếng khi là địa điểm thực hiện bộ phim “Kong: Skull Island" - dự án phim bom tấn của Hollywood. Bộ phim công chiếu vào năm 2017, là dự án phim Hollywood lớn nhất được thực hiện ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh của Ninh Bình ra toàn thế giới. Du lịch Việt Nam đã rất phát triển nhờ vào hiệu ứng của bộ phim.
Vì thế, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ là cầu nối giữa di sản nổi tiếng thế giới này với các tuyến đường cao tốc quan trọng khác như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh cùng các quốc lộ như quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới và các trục đường kinh tế quan trọng như trục đường tỉnh Nam Định, tuyến mới Nam Định - Lạc Quần, đường Thái Bình - Cồn Vành.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng cũng sẽ tạo điều kiện kết nối với sân bay quốc tế Cát Bi tại Hải Phòng, sân bay quốc tế Vân Đồn tại Quảng Ninh, cũng như cảng Hải Phòng và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đó tăng cường gắn kết du khách trong và ngoài nước tới khu danh thắng Tràng An.
Ngoài ra, đoạn cao tốc qua Ninh Bình sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến Mai Sơn - Cao Bồ, kết nối vùng giao thông ở phía Đông tỉnh Ninh Bình và huyện Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa với quốc lộ 10 và các tuyến đường ven biển, các trục Đông - Tây của Ninh Bình.
Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn xa đến năm 2050, kết nối các tỉnh thành phía Bắc, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
"Với tính chất, vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ. Góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và cả nước nói chung ", Sở Giao thông vận tải Ninh Bình thông báo.