Tình trạng nóng kỉ lục hơn 100 năm mới lặp lại: Gấu Nga mất ăn, gấu Ukraine mất ngủ

Tất Đạt |

Tình trạng khí hậu ấm lên bất thường đang làm đảo lộn chu kỳ ngủ đông của những con gấu ở Ukraine.

Gấu "mất ngủ"

Trong một bài đăng trên trang Facebook, Công viên Thiên nhiên Quốc gia Synevyr ở tây nam Ukraine cho biết mùa đông thường là thời điểm tất cả các con gấu bắt đầu ngủ đông. Tuy nhiên, tại đây, hiện chỉ có 3 con gấu ngủ đông.

Tình trạng "gấu mất ngủ" đang ảnh hướng tới 29/32 con gấu được nuôi tại công viên này. Dù bản năng ngủ đông của những con gấu này không bằng gấu hoang dã bởi chúng sinh ra và sống cả đời ở công viên, tuy nhiên, những người quản lí cho biết hồi năm ngoái gần như cả đàn gấu đều ngủ đông.

Cũng theo công viên, nhiệt độ không khí hiện tại không đủ lạnh để gấu phải ngủ đông.

Nhiệt độ ở Công viên Thiên nhiên Quốc gia Synevyr chỉ đang ở quanh ngưỡng 4 độ C, cao hơn mức trung bình tháng 12 hàng năm khoảng 2,3 độ C và gần với ngưỡng của tháng 4 (6,9 độ C). Đây cũng là nhiệt độ mà gấu tỉnh dậy và kết thúc kì ngủ đông.

Thông báo của công viên cũng cho biết vùng này mới chỉ có 1 tuần lạnh và giúp 3 con gấu ngủ được. Số còn lại "vẫn đang chờ mùa đông đến".

Tình trạng nóng kỉ lục hơn 100 năm mới lặp lại: Gấu Nga mất ăn, gấu Ukraine mất ngủ - Ảnh 1.

Ảnh: Công viên Thiên nhiên Quốc gia Synevyr

Nhiệt độ ngoài trời là yếu tố quan trọng để gấu có thể quyết định ngủ đông vào lúc nào - và trong bao lâu.

Trong những tuần trước khi bắt đầu ngủ đông, các nghiên cứu chỉ ra rằng nhịp tim và thân nhiệt của gấu sẽ bắt đầu giảm và mọi vận động thể chất đều dừng lại. Khi nhiệt độ xuống 0 độ C và có tuyết rơi, gấu sẽ tìm nơi trú ẩn và ngủ đông. Đây là bản năng tự nhiên của gấu trong những tháng lạnh lẽo nhất năm.

Theo Công viên Quốc gia, thời gian ngủ đông của các loài gấu khác nhau. Một số loài như gấu đen Mexico ngủ từ vài ngày với vài tuần, trong khi gấu nâu ở Alaska ngủ tới 6 tháng. Hoạt động này giúp gấu sống sót giữa thời kì thiếu thực phẩm và tuyết rơi dày vào những tháng mùa đông.

Theo các nhà khoa học, thời tiết cứ ấm lên 1 độ thì giấc ngủ của gấu đen lại giảm đi 6 ngày. Điều đó có nghĩa là, "tới năm 2050, thời gian ngủ đông trung bình của gấu ở Colorado sẽ giảm từ 15 tới 39 ngày".

Nóng kỉ lục ở Nga

Không chỉ thời tiết ở Ukraine thay đổi, tình hình ở Moskva cũng đang gây ra tình cảnh "dở khóc dở cười" cho người dân Nga. Trong năm nay, chính phủ Nga đã phải cho nhiều xe tải chở tuyết giả tới trung tâm thành phố để trang trí trong khi mọi năm thành phố Moskva tốn hàng triệu USD để dọn tuyết.

"Đây là toàn bộ tuyết có ở Moskva. Chúng được canh gác ở Quảng trường Đỏ," một người dùng Instagram viết.

Nhiệt độ mùa đông ở Moskva hiện đã đạt ngưỡng cao kỉ lục so với cùng kì những năm khác nếu tính từ 140 năm trở lại đây. Nhiệt độ ở thủ đô Nga đã tăng lên 5,4 độ C vào ngày 18/12, phá mốc kỉ lục cũ của tháng 12/1886.

Tình trạng nóng kỉ lục hơn 100 năm mới lặp lại: Gấu Nga mất ăn, gấu Ukraine mất ngủ - Ảnh 2.

Ảnh: Instagram

"Điều này không bình thường chút nào," Alexander Stanko, 62 tuổi, một người Nga đứng ngắm trang trí ở gần điện Kremlin, nói.

"Mùa đông thường dữ dội hơn rất nhiều. Những ngày mùa đông trước đây thường có những đợt gió lạnh thấu xương và luôn luôn có tuyết. Năm nay thời tiết ấm lên rất nhiều. Đó là lý do tuyết giả được đem tới đây".

Tình trạng ấm lên ở Nga đang khiến nhiều người lo ngại. Băng vĩnh cửu ở các thị trấn phía bắc nước Nga đang tan dần, khiến gấu Bắc cực bị buộc phải mò tới những khu dân cư kiếm ăn. Sự tan chảy của băng đá cũng làm lộ những "mỏ" ngà voi ma mút vốn trước đây bị vùi sâu trong băng đá. Nhiều người dân đã bắt đầu tận dụng cơ hội này để kiếm thêm thu nhập từ những chiếc ngà voi này.

Trong khi đó, mới đây Nga đã hủy bỏ các kế hoạch liên quan tới mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Trong bài phát biểu của mình, ông Putin tỏ ý nghi ngờ các số liệu khoa học và không đề cập tới vấn đề khí nhà kính trong các cuộc thảo luận của mình. Ông Putin cho rằng thời tiết đang biến động bởi trục của Trái Đất đang thay đổi.

"Không ai thực sự biết điều gì đang khiến khí hậu biến đổi, tuy nhiên con người vẫn cần phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự biến đổi quá lớn của khí hậu," ông Putin nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại