Muốn gây áp lực đối với Iran, Mỹ có thể sẽ "tự bắn vào chân mình" khi đặt ra 1 tiền lệ nguy hiểm, các nhà phân tích nhận định trên RT. Động thái của Mỹ có thể đe dọa tới mạng sống của binh lính nước này ở Trung Đông và khiến khu vực rơi vào 1 cuộc chiến mới, với quy mô lớn.
Trong một nỗ lực nhằm ép buộc Tehran tuân theo những yêu cầu của mình, Washington đã đứng ngay phía trước một thảm họa tiềm tàng. Tuy nhiên, có vẻ Mỹ lại coi nhẹ thực tế rằng các hành động liều lĩnh của họ có thể đẩy Trung Đông ra ngoài vòng kiểm soát bất cứ lúc nào và dẫn tới những hậu quả khủng khiếp, khiến họ phải trả 1 cái giá không nhỏ.
Mới đây Mỹ đã quyết định liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - một đơn vị tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Iran - vào danh sách các nhóm khủng bố. Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof cho rằng với động thái này, Washington đã bước qua lằn ranh đỏ và đặt ra một "tiền lệ vốn trước nay luôn được tránh né bằng mọi giá".
Về mặt lý thuyết, quyết định của Mỹ đã mở đường để rồi bất cứ nước nào cũng có thể coi lực lượng quân đội của nước kia là khủng bố - một diễn biến có thể dẫn tới tình trạng hỗn loạn toàn cầu. Và nước Mỹ cũng có thể trở thành nạn nhân đầu tiên hứng chịu hậu quả khi chiến lược của họ phản ứng ngược.
"Trông thấy là bắn"
Washington đã quyết định nhằm vào IRGC bởi cảm thấy lực lượng này đang khiến tầm ảnh hưởng kiểu "khủng bố" lan rộng qua nhiều tổ chức khác ở các nước khác mà IRGC ủng hộ. Tuy nhiên, đó cũng là điều mà bản thân nước Mỹ đang làm khi đưa quân tới những nơi như Syria, Irag để hỗ trợ các phe nhóm phiến quân khác, Maloof giải thích.
"Đó là một con dốc trơn. Nó có thể gây phản ứng ngược", vị cựu quan chức Mỹ đánh giá tình huống.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Iran hoặc bất kỳ nước nào khác gọi binh lính Mỹ ở Syria là một nhóm khủng bố? Điều đó đồng nghĩa với động thái "cứ trông thấy là bắn".
Để thấy phản ứng cũng không phải đợi lâu. Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định của mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran đã liệt Bộ chỉ huy Trung ương của Mỹ (CENTCOM) là một nhóm khủng bố và gọi Washington là "chính phủ khủng bố" trong một động thái đáp trả.
Ông Maloof cảnh báo rằng, giờ đây Iran có thể khuyến khích đồng minh của mình trong khu vực truy đuổi quân Mỹ: "Tình huống này đặt binh lính Mỹ vào một vị thế rất bất ổn. Họ thậm chí có thể bị tử hình nếu bị bắt và đưa ra tòa".
Bóng đen chiến tranh
Quyết định của ông Trump đã hạ thấp giới hạn của đối đầu quân sự và có thể dẫn tới một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông, nhà phân tích chính trị Seyyed Mostafa Khoshcheshm nhận định.
"Ngay khi quyết định của Washington được truyền đạt tới quân đội Mỹ, họ sẽ nhằm mục tiêu vào lực lượng IRGC trên bộ và IRGC thì chắc chắn sẽ tự phòng vệ", Khoshcheshm nói với RT, "Các hậu quả về mặt an ninh sẽ rất tồi tệ".
Khi mà cả hai bên đều có lực lượng ở Syria, Iraq cũng như khu vực vịnh Ba Tư thì tình hình có thể dễ dàng "vượt ra ngoài tầm kiểm soát do một sai lầm nhỏ nhặt nhất", nhà phân tích cảnh báo, "Quyết định này có thể là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi nhưng không phải theo cách ông Trump mong muốn mà là tình huống căng thẳng gia tăng đẩy 2 bên tới bờ vực chiến tranh".
Ủng hộ Netanyahu: Tính toán sai lầm
Theo nhiều nhà phân tích, với động thái liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố ngay trước cuộc bầu cử của Israel, có lẽ ông Trump cũng dự định tăng cường sự ủng hộ cho đồng minh và cũng là đối thủ đáng gờm của Iran, Benjamin Netanyahu, người đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt ở Israel.
Có thể ông Trump hy vọng rằng sự ủng hộ mà ông dành cho Thủ tướng Israel đương nhiệm sẽ giúp ông giành được những tấm phiếu của người Do thái ở Mỹ trong năm tới. Tuy nhiên, với quyết định này, ông Trump có thể sẽ mất nhiều hơn được.
"Đó là món quà để giúp Netanyahu trong các cuộc bầu cử của ông ta", giáo sư Foad Izadi của Đại học Tehran nói, "Thời điểm có ý nghĩa rất lớn đối với các cuộc bầu cử của Israel".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Thế nhưng, khi làm thân với Tel Aviv, Washington lại khiến các nhân tố khác trong khu vực xa lánh mình và khiến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế bị yếu đi, nhà phân tích chính trị Seyed Mohammad Marandi nói với RT.
Theo ông Marandi, một loạt hành động gây hấn công khai có lợi cho Israel đã đẩy người dân Trung Đông xa khỏi Mỹ và lại gần Iran, đồng thời khiến người dân Iran thêm đoàn kết trong nỗ lực đối phó với Mỹ. Ngoài ra, những sai lầm khác của ông Trump, như việc tranh cãi liên tục với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng khiến Ankara thân thiện hơn với Tehran.
"Coi IRGC là khủng bố có thể khiến ông Trump nghĩ rằng mình có khả năng tấn công Iran mà không cần viện cớ. Nếu đúng như vậy thì có lẽ ông Trump là người duy nhất nghĩ thế", Izadi nhấn mạnh và nói thêm rằng ngay cả những đồng minh thân thiết nhất của ông Trump có thể cũng sẽ không ủng hộ như ông muốn, còn những nước như Nga và Trung Quốc thì có xu hướng coi Mỹ là một mối đe dọa.
"Ông Trump cuối cùng sẽ làm nước Mỹ bị tổn thương hơn cả", nhà phân tích nói.