Tính toán của Philippines khi trì hoãn gia hạn thỏa thuận quân sự với Mỹ

Hồng Anh |

Sự lưỡng lự về một thỏa thuận quân sự kéo dài 2 thập kỷ đang làm nổi bật thế khó của Philippines khi phải đứng giữa cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc – một bên là đồng minh lâu đời và một bên là đối tác thương mại quan trọng.

Philippines gia hạn Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng với Mỹ. Ảnh: New York Times

Philippines gia hạn Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng với Mỹ. Ảnh: New York Times

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines là quốc gia duy nhất chỉ trích một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và lên án các hành vi của Trung Quốc mà vẫn giữ được quan hệ hợp tác với cả hai bên.

Tuy vậy, áp lực đối với Philippines ngày càng trở nên nặng nề hơn trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh nỗ lực tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở Đông Nam Á.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Philippines

Vào ngày 21/5, Philippines đăng cai tổ chức cuộc họp lần thứ 6 của cơ chế tham vấn song phương (BCM) về Biển Đông với Trung Quốc theo hình thức trực tuyến.

Đây là lần đầu tiên hai bên không đưa ra tuyên bố chung cũng như thông cáo báo chí chung, thay vì đó ban hành các thông cáo báo chí riêng biệt. Điều này nêu bật những mối bất hòa tiềm ẩn trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh.

Philippines kiên quyết phản đối sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong khi Bắc Kinh tỏ ra thất vọng về cái mà họ cho là sự “cường điệu hóa vấn đề” từ phía Philippines. Các bên cũng nhất trí thảo luận về việc bồi thường cho các ngư dân Philippines có tàu bị chìm trong vụ va chạm với tàu Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong vào năm 2019.

Ở một thái cực khác, hiện Philippines và Mỹ vẫn chưa thống nhất về việc có nên tiếp tục gia hạn Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng (VFA) hay không sau những cuộc đàm phán kéo dài hàng tháng ròng.

VFA được ký kết vào năm 1998, tạo khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines cũng như để hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận quân sự chung thường niên và hỗ trợ nhân đạo.

Vào tháng 2/2020 Tổng thống Duterte đã đơn phương thông báo sẽ hủy bỏ thỏa thuận, nhưng ông đã hai lần trì hoãn việc chấm dứt, nên thỏa thuận vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8/2021.

Trong bối cảnh hạn chót đang đến gần, vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” đối với thỏa thuận. Mỹ sẽ buộc phải rút toàn bộ binh sỹ tại Philippines vào tháng 6 hoặc tháng 7/2021 nếu VFA không được gia hạn.

Hơn nữa, Washington có thể sẽ không hưởng ứng việc trì hoãn thỏa thuận đến lần thứ 3 bởi sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc giữ vững các cam kết liên minh trong thời gian ngắn ngủi.

Dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương đang ở mức thấp đó là việc Mỹ không nhắc đến Philippines hoặc liên minh Mỹ-Philippines trong “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra hồi tháng 3/2021. Đây là lần đầu tiên động thái này diễn ra kể từ năm 1996.

Một diễn biến khác cũng cho thấy sự bất ổn trong liên minh là sự vắng mặt của Đại sứ Mỹ tại Philippines sau khi Mỹ thuyên chuyển đặc phái viên cấp cao Sung Kim sang làm Đại sứ tại Indonesia vào 2020.

Đây là một trong những vị trí bị bỏ trống lâu nhất kể từ đầu những năm 1980 khi quan hệ song phương gặp nhiều sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

Chưa kể, Tổng thống Duterte đã nhiều lần chỉ trích Mỹ không hành động trước việc Trung Quốc xây dựng và bồi lấp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông từ năm 2014 đến năm 2016, trong lúc vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp trên biển Đông đang được Tòa Trọng tài quốc tế xem xét.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Philippines vẫn coi trọng quan hệ liên minh gắn kết về quân sự với Mỹ, bởi ông hiểu rõ nước này cần có sự bảo đảm về an ninh nhằm đối phó với bất cứ hành vi gây hấn nào của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 4 vừa qua, Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan lần thứ 36. Trước đó vào năm 2020, cuộc tập trận này đã bị hủy bỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tìm kiếm thêm nhiều sự nhượng bộ của Mỹ

Quan hệ về kinh tế ngày càng phát triển giữa Philippines với Trung Quốc cùng tâm lý tránh phụ thuộc quá mức vào Mỹ nhằm theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập” đã khiến Tổng thống Duterte tìm cách giữ khoảng cách với Washington.

Nhận thức được những rủi ro từ việc cho phép quân đội và khí tài quân sự của Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Philippines trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn ngày càng leo thang, Tổng thống Duterte đã từ chối tham gia các cuộc tuần tra hàng hải chung hoặc các cuộc tập trận chung bên ngoài lãnh hải hay nội thủy của Philippines.

Hiện, các cuộc tập trận mà Manila tham gia đa phần là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và chống khủng bố. Tổng thống Duterte cũng cảnh báo Mỹ chớ đưa vũ khí hạt nhân tới nước này nếu không ông sẽ yêu cầu các lực lượng Mỹ rời đi và chấm dứt VFA ngay lập tức.

Nhà lãnh đạo Philippines biết rằng ông không thể cắt đứt liên minh với Mỹ, song ông muốn Washington phải đưa ra nhiều nhượng bộ nhất có thể, chẳng hạn như trả tiền duy trì thỏa thuận cho phép Washington triển khai quân đội tại Philippines, hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19, viện trợ quân sự hoặc cam kết đảm bảo an ninh tại Biển Đông để đổi lấy việc Philippines cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này.

Mặc dù Mỹ đang xem xét đáp ứng một số yêu cầu mà Philippines đưa ra, nhưng các tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người tiền nhiệm Mike Pompeo cho thấy, Washington cần phải có cái nhìn rõ ràng hơn về bản chất và giới hạn của những cam kết an ninh mà nước này đưa ra đối với đồng minh.

Trong một động thái nhằm thể hiện thiện chí tăng cường viện trợ quân sự cho đồng minh, Mỹ đã tài trợ cho Philippines các tên lửa dẫn đường chính xác và nhiều loại vũ khí khác trị giá 18 triệu USD nhân chuyến thăm của cựu cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien tới Manila vào tháng 11/2020.

Liệu ông Duterte có cho rằng những nhượng bộ này tương xứng với rủi ro mà Philippines sẽ phải đối mặt trong trường hợp xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra tại các điểm nóng trên biển hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại