Tình tiết mới vụ án nghìn tỷ liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Minh Dương |

Sau khi Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp hơn 8.600 tỷ để khắc phục toàn bộ hậu quả. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự, theo các chuyên gia luật.

Tình tiết mới vụ án nghìn tỷ liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Ảnh 1.

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: D.N

Tình tiết giảm nhẹ

Ngày 30/9, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cùng tội danh, C03 đề nghị truy tố Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu Bất động sản Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), Nguyễn Khoa Đức (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông), Lê Văn Thịnh (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Phùng Thế Tính (cựu Giám đốc tài chính kế toán của Tân Hoàng Minh)…

Theo kết luận điều tra, từ tháng 7/2021-tháng 3/2022, ông Dũng và một số người tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.

Tân Hoàng Minh thông đồng với các bị can làm việc tại Công ty Kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần trái chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Theo cơ quan điều tra, đây là hành vi hợp thức cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định. Từ đó, các bị can chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy vậy, trong giai đoạn điều tra, ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Công ty Luật TNHH H-Trung Lương cho biết, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau: người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong các trường hợp có tổ chức; tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021), tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" không được liệt kê vào các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, dù người phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, với việc đã trả hết số tiền chiếm đoạt cho bị hại là hành vi tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Thành khẩn khai báo

Trước đó, tại bản kết luận điều tra, C03 cho rằng, trong quá trình điều tra, bị can Đỗ Anh Dũng đã thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội về vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Tân Hoàng Minh.

Theo đó, ông Dũng đã đồng ý, thống nhất chủ trương, giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt thực hiện các thủ tục phát hành trái phiếu, huy động vốn rồi chỉ đạo sử dụng tiền của nhà đầu tư không đúng mục đích, phương án phát hành. Bị can có đơn đề nghị và tích cực phối hợp khắc phục hậu quả trong vụ án.

C03 ghi nhận, quá trình điều hành hoạt động của Tân Hoàng Minh, ông Dũng có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội; tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội được ghi nhận.

"Bản thân Dũng đã tích cực, tự nguyện phối hợp với Tân Hoàng Minh và gia đình khắc phục hậu quả của vụ án; đề nghị xem xét khi lượng hình", kết luận nêu.

Về con trai của ông Dũng, bị can Đỗ Hoàng Việt, C03 cho rằng, quá trình làm việc với Cơ quan điều tra từ trước khi khởi tố vụ án cho đến nay, người này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, tích cực hợp tác, phục vụ yêu cầu điều tra làm rõ bản chất vụ án.

Lời khai của Đỗ Hoàng Việt phù hợp với tài liệu điều tra và lời khai các bị can, người liên quan trong vụ án. Người này có nhân thân, lý lịch tốt, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội được ghi nhận.

Bản thân bị can Việt tự nguyện, phối hợp với luật sư, gia đình nộp khắc phục hậu quả của vụ án, với số tiền 200 triệu đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra. Do đó, C03 đề nghị xem xét khi lượng hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại