Tỉnh thuộc top nghèo nhất Trung Quốc: Sở hữu 30.000 cây cầu băng qua núi cao vài trăm mét, chi phí xây dựng ‘sương sương’ 3-5 nghìn tỷ đồng, sắp khánh thành cầu cao nhất thế giới

An Chi |

Quý Châu là tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, nơi này lại được coi là "thủ phủ" của những cây cầu nắm giữ kỷ lục thế giới, khi chính phủ Trung Quốc bơm hàng tỷ USD để phát triển mạng lưới đường cao tốc ở đây.

Tỉnh thuộc top nghèo nhất Trung Quốc: Sở hữu 30.000 cây cầu băng qua núi cao vài trăm mét, chi phí xây dựng ‘sương sương’ 3-5 nghìn tỷ đồng, sắp khánh thành cầu cao nhất thế giới- Ảnh 1.

Một trong các cột trụ bê tông của cầu Huajiang Grand Canyon.

Nằm sâu trong vùng núi của phía tây nam Trung Quốc, tỉnh Quý Châu là nơi sinh sống của hơn 38 triệu người, với diện tích khoảng 176 nghìn km2. Với mức GDP 258 tỷ USD, địa phương này là một trong những nơi nghèo nhất và có mật độ dân số thấp nhất Trung Quốc.

Nhiều người dân Quý Châu sống ở nông thôn, các ngôi làng và khu định cư với tốc độ phát triển công nghiệp ở mức tối thiểu.

Song, điều bất ngờ là Quý Châu lại là nơi có 1 nửa trong số 10 cây cầu cao nhất thế giới và 40 cây cầu thuộc top 100.

Tỉnh miền núi này cũng sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào như than đá, gỗ và kim loại khác.

Với tiềm năng trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhiều khu đất trống, Quý Châu cũng trở thành “điểm nóng” về phát triển trung tâm dữ liệu của đại lục. Tuy nhiên, để khai thác những nguồn tài nguyên đó, Quý Châu cần kết nối với phần còn lại của đất nước.

Quá trình này không thực sự dễ dàng, khi phần lớn diện tích của Quý Châu bị chia cắt bởi các hẻm núi sâu và thung lũng rìa sông. Việc tạo ra một mạng lưới giao thông hiện đại ở Quý Châu sẽ cần hàng chục cây cầu bắc qua vực sâu và sông, với độ cao lên tới hơn 600 mét. Hiện tại, tỉnh này có 17 cây cầu có độ cao gần 300 mét.

Eric Sakowski, một người chuyên theo dõi các cây cầu, điều hành một trang web riêng về những cây cầu cao nhất thế giới, cho biết: “Số lượng cầu cao được xây dựng ở Trung Quốc thực sự choáng ngợp. Nước này thông xe trên 50 cây cầu cao mỗi năm, trong khi phần còn lại của thế giới cộng lại có thể chỉ là 10.”

Vậy một tỉnh thuộc hàng nghèo nhất nước ở Trung Quốc đã trở thành “thủ phủ” của những cây cầu lớn như thế nào?

Các cây cầu ở Quý Châu có nhiều loại, từ cầu treo, cầu dây văng đến cầu vòm thép, có dầm bê tông với các trụ lớn. Những cây cầu này không chỉ cao mà cũng có độ dài hơn 760 mét mỗi nhịp cầu. Kiểu xây dựng này được thực hiện ở cả các nhịp chính cho đến phần phía trên các thung lũng, tạo ra những cột cầu sừng sững khi quan sát từ dưới mặt đất.

Tỉnh thuộc top nghèo nhất Trung Quốc: Sở hữu 30.000 cây cầu băng qua núi cao vài trăm mét, chi phí xây dựng ‘sương sương’ 3-5 nghìn tỷ đồng, sắp khánh thành cầu cao nhất thế giới- Ảnh 2.

Cầu Duge (Bắc Bàn Giang) nối Vân Nam và Quý Châu, có chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ NDT (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng).

Theo China Daily, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 30.000 cây cầu đã được xây dựng hoặc đang xây dựng.

Hoạt động xây dựng cầu ở Quý Châu bắt đầu bùng nổ vào năm 2001, khi cây cầu đường sắt cao nhất thế giới được khởi công ở đây. Tiếp theo đó là cầu đường bộ Guangxing bắc qua sông Beipan. Đây là cây cầu cao nhất thế giới ở thời điểm khánh thành, với độ cao xấp xỉ 400 mét. Cầu Guanxing là cây cầu treo đầu tiên trên thế giới có chiều cao vượt quá cầu Royal Gorge ở Colorado, Mỹ (291 mét).

Trong khi đó, cầu Liuchehe và Guniuhe là những cây cầu vòm thép cao nhất thế giới và là 2 cây cầu duy nhất cao hơn 400 mét. Ngoài ra, cầu Pingtang (Bình Đường) siêu cầu dây văng có tháp bê tông cao nhất thế giới, có chiều dài 2.135 mét, chiều rộng 30,2 mét với nhịp chính dài 550 mét và 3 tháp bê tông chịu lực chính.

Chỉ vài năm nữa, cầu Duge bắc qua sông Beipan sẽ giữ danh hiệu cây cầu cao nhất thế giới với độ cao 565 mét so với thung lũng bên dưới. Chi phí xây dựng cây cầu này là hơn 1 tỷ NDT.

Tỉnh thuộc top nghèo nhất Trung Quốc: Sở hữu 30.000 cây cầu băng qua núi cao vài trăm mét, chi phí xây dựng ‘sương sương’ 3-5 nghìn tỷ đồng, sắp khánh thành cầu cao nhất thế giới- Ảnh 4.

Cầu Pingtang (Bình Đường) có chi phí xây dựng khoảng 1,5 tỷ NDT (khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng).

Đến năm 2025, danh hiệu trên sẽ được “chuyển” qua cầu Huajiang Grand Canyon, có chiều cao thẳng đứng 625m tính từ mặt cầu xuống đáy vực núi. Khi dự án hoàn thành, cây cầu sẽ mở ra một tuyến đường mới cho phép người lái xe băng qua hẻm núi chỉ trong chưa đầy 1 phút, trong khi quãng đường trước đây mất đến hơn 1 giờ.

Quá trình xây dựng những cây cầu khổng lồ này đã được các kỹ sư và công nhân Trung Quốc “hô biến” thành quy trình được tối ưu hoá, một số chỉ thực hiện trong chưa đầy 3 năm. Việc sử dụng các linh kiện được hoàn thiện sẵn và các tấm bề mặt cầu thẳng đứng, tấm chạy giàn thép cho phép bề mặt của cầu được lắp ráp nhanh chóng và kết nối với cáp treo. Việc đào đất ở những khu vực này bị hạn chế do họ phải xây dựng các nhịp cầu dài và cao.

Điều đáng chú ý là nhiều cây cầu có sự tương đồng lớn. Do đó, dù địa hình trắc trở và việc xây dựng diễn ra trên cao nhưng quá trình thực hiện dự án được tiêu chuẩn hoá, giúp đẩy nhanh tiến độ. Các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển một phương pháp vận chuyển hiệu quả đối với dầm bê tông và các tấm lắp ghép thành bề mặt cầu, sau đó thả chúng vào đúng vị trí từ độ cao vài chục mét trên không trung.

Tỉnh thuộc top nghèo nhất Trung Quốc: Sở hữu 30.000 cây cầu băng qua núi cao vài trăm mét, chi phí xây dựng ‘sương sương’ 3-5 nghìn tỷ đồng, sắp khánh thành cầu cao nhất thế giới- Ảnh 6.

Cầu Huajiang Grand Canyon dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 6/2025 và trở thành cây cầu cao nhất thế giới (chi phí xây dựng chưa được công bố).

Năm 2012, Quý Châu là một trong những tỉnh phát triển chậm nhất và cũng thuộc nhóm nghèo nhất Trung Quốc, GDP bình quân đầu người là 2.800 USD. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chứa đầy tiềm năng kinh tế. Bởi vậy, trong thời gian này, chính phủ Trung Quốc đã quyết định bơm hàng tỷ USD để phát triển mạng lưới đường cao tốc ở Quý Châu.

Năm 2009, Quý Châu bắt đầu lọt vào danh sách những cây cầu cao nhất thế giới. Kể từ đó, chưa nơi nào trên thế giới sở hữu những cây cầu khổng lồ được xây dựng nhanh chóng đến vậy.

Năm 2017, Thống đốc Sun Zhigang đặt mục tiêu xây dựng 10.000 km đường cao tốc vào năm 2020, trong khi cả nước Pháp khi đó chỉ có 8.600 km. Ông Sun kỳ vọng các ngôi làng sẽ được kết nối bằng cầu hoặc đường cao tốc, cắt giảm thời gian di chuyển qua các thung lũng và dãy núi lớn từ hàng giờ xuống chỉ còn vài phút.

Ngoài việc tăng hiệu quả trong hoạt động thương mại, những cây cầu của Quý Châu đã biến khu vực này thành một địa điểm du lịch. Hơn 700.000 người đã đến tỉnh mỗi năm chỉ để chiêm ngưỡng các cây cầu.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại