Một nghiên cứu đáng chú ý là Khảo sát PAPI 2021, những địa phương được nhiều người muốn chuyển đến nhất là các thành phố lớn như TP. HCM (20,56%), Hà Nội (16,48%) và Đà Nẵng (8,43%).
Tỉnh thu hút người di cư nhất là Lâm Đồng (6,16%), nơi được xem như trung tâm kinh tế của Tây Nguyên. Lâm Đồng xếp trên Cần Thơ (4,03%).
TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng thường được chọn vì lý do đoàn tụ gia đình và cơ hội việc làm, đa số mọi người chọn Lâm Đồng vì môi trường tự nhiên tốt hơn.
Theo Cổng thông tin UBND tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên trung phần, Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên ở độ cao chênh lệch từ 300 - 1.500m so với mặt nước biển, với độ cao này, Lâm Đồng có nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25 o C và được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới đặc biệt thuận lợi cho phát triển rau, hoa.
Với diện tích trên 9 ngàn 773 km2, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; Thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trung bình trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống.
Lâm Đồng có hệ thống giao thông phát triển gồm các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối Lâm Đồng với các thành phố lớn và có các tỉnh lộ: 721, 722, 724, 725 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tỉnh có sân bay quốc tế Liên Khương cách thành phố Đà Lạt 30 km về hướng Nam.
Đà Lạt – Lâm Đồng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất cả nước với các làng hoa truyền thống, các mô hình du lịch canh nông và 35 khu điểm du lịch, 60 điểm tham quan miễn phí, 3 sân golf và Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm với trên 3.000 ha với địa hình và sinh cảnh ấn tượng.
Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch của Tỉnh Lâm Đồng cũng được đầu tư theo hướng chất lượng cao, với trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch với trên 29.400 phòng; trong đó, có 40 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với trên 3.900 phòng.
Lâm Đồng còn là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Đến hết năm 2020, nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng đạt 60.288 ha, chiếm 20,1% diện tích canh tác; giá trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; giá trị sản xuất bình quân đơn vị diện tích canh tác công nghệ cao đạt 400 triệu đồng/ha, nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Giai đoạn 2015 - 2020, quy mô GRDP của tỉnh tăng 1,6 lần; năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71,2 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.
Tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch chất lượng cao; phát triển công nghiệp có chọn lọc; phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao của tỉnh làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.