Nhà máy xây dựng trên khu đất có diện tích 161.000 m2. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày, tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Ngoài ra, nhà máy còn có hệ thống 80 silo có thể chứa 240.000 tấn gạo. Các thiết bị và máy móc dùng để sản xuất gạo được nhập khẩu chủ yếu từ Thụy Sĩ, Ý, Đức.
Sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy Hạnh Phúc sẽ tận dụng được lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và thu nhập cho người nông dân.
Nhà máy Hạnh Phúc được xây dựng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được gắn thêm sứ mệnh mới. Sứ mệnh đó là thực hiện tầm nhìn chiến lược cho hạt gạo Việt Nam, mang danh tiếng của gạo Việt Nam tới toàn châu Á và sau đó trên toàn thế giới.
Lý do chọn An Giang trở thành vị trí xây dựng nhà máy vì khoảng cách, thời gian, chi phí vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy cho nông dân được giảm bớt. Nhờ vào việc đảm bảo cho lúa tươi được sấy và lưu trữ ngay sau khi thu hoạch 10 tiếng, chất lượng lúa sẽ ở mức hoàn hảo nhất. Do đó, sẽ giữ được mùi thơm, hương vị cho các giống lúa.
Tỉnh An Giang xác định ngành lúa gạo là 1 trong 3 ngành chủ lực theo định hướng của "Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh và định hướng đến năm 2030". Bên cạnh đó, An Giang đã hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh An Giang đã hình thành được 4 vùng sản xuất lúa gạo đạt chứng nhận sản phẩm GlobalGAP với diện tích 260 ha. Nhờ vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa có hiệu quả hơn, tiết kiệm vật tư đầu vào, tăng lợi nhuận bình quân khoảng 2 triệu đồng/ha.
Để tăng cường động lực thúc đẩy phát triển tiềm năng của ngành lúa gạo, tỉnh An Giang đã chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào khâu tổ chức sản xuất, phục tráng, lai, chọn tạo các bộ giống theo hướng năng suất cao.
Từ đó góp phần tạo ra lúa gạo có chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi như hạn, lũ, mặn và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Qua đó gia tăng sản lượng, chất lượng và nâng cao vị thế gạo Việt.
Ngoài thế mạnh về sản xuất gạo, An Giang là một tỉnh rất nỗ lực trong phát triển về kinh tế-xã hội. Năm 2021, trong điều kiện khó khăn, nhưng kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra.
GRDP bình quân đầu người đạt 48,905 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,95%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 14,68%; khu vực dịch vụ chiếm 45,79%.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,142 tỷ USD, tăng 18,34% so kế hoạch và tăng 22,8%, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. An Giang đang từng bước ổn định đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái "bình thường mới", thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.