Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại, nhựa nói chung đã trở nên quá phổ biến với chúng ta. Theo TheAtlantic, mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ xuống biển và trong suốt thời gian một đời người, lượng rác thải nhựa có thể nhiều hơn lượng cá trong đại dương.
Chính vì những thông tin tiêu cực từ tác hại của nhựa gây ra cho môi trường nên hoạt động tái chế nhựa được cổ vũ mạnh mẽ. Mặt khác, dư luận mong muốn chuyển đổi dần từ sử dụng nhựa sang những vật liệu thân thiện hơn với môi trường, ví dụ sử dụng ống hút làm từ giấy, cỏ khô, mì ống hoặc kim loại.
Trên mạng xã hội, giới trẻ phản ứng quyết liệt về tác hại của ống hút nhựa (nổi bật là chiến dịch hastag Straw Shaming trên Twitter và Instagram). Hàng nghìn dự án khởi nghiệp có mục tiêu thay thế ống hút nhựa xuất hiện.
Một số đô thị lớn ở Hoa Kỳ như New York, Seattle và Washington D.C còn chuẩn bị ban hành lệnh cấm chính thức ống hút nhựa. Một số công ty mau chóng bắt kịp xu hướng này và đầu tư chất xám nghiêm túc cho sản phẩm ống hút của họ. Ví dụ công ty Tiffany & Company thiết kế một loại ống hút cong bằng bạc và vàng với giá dao động từ 250 đến 425 USD/cái.
Ống hút nhựa
Thế nhưng các phương án thay thế ống hút nhựa thực sự có hoàn hảo không?
Ống hút kim loại hay giấy vẫn cần nhiều năng lượng để sản xuất. Muốn tạo ra ống hút kim loại, người ta phải khai mỏ, luyện kim (và sử dụng nhiên liệu hóa thạch). Với ống hút giấy, họ phải đốn gỗ và đưa các hóa chất tẩy trắng vào quy trình sản xuất. Cũng khó bỏ qua thực tế là dù dùng ống hút vật liệu gì, tất cả chúng ta vẫn phải sử dụng chai, túi, cốc nắp cà phê và các loại thìa nhựa.
Xét ở góc độ kinh tế, giá thành sản xuất ống hút nhựa rẻ tuyệt đối so với các loại ống hút khác. Khi sản xuất ở quy mô trên hàng trăm nghìn chiếc, giá thành mỗi chiếc ống hút nhựa loại tốt có giá chỉ nửa cent tại Hoa Kỳ, tương đương 120 VNĐ, trong khi ống hút giấy loại tốt (nhiều màu sắc và giấy dày) giá 2,5 cent, cao gấp 5 lần giá ống hút nhựa.
Kể từ khi phong trào chống ống hút nhựa bắt đầu vào năm 2015, áp lực từ người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ môi trường đã khiến một số doanh nghiệp thay đổi, ví dụ như Starbucks tuyên bố sẽ thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng nắp đậy không cần ống hút.
Nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn chưa có động thái rõ rệt. Sự cân nhắc giá thành giữa các loại ống hút và thói quen của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng là ba trở lực chính.
Ví dụ tại thị trường Việt Nam, ống hút nhựa (loại phi 6) giá chỉ 35 nghìn/gói 500 gram (hơn 200 ống), trong khi ống hút giấy cùng cỡ giá từ 30-75 nghìn/gói 50 ống, ống hút kim loại giá từ 11 nghìn đến hơn 20 nghìn/ống.
Theo Freehold - công ty chuyên cung cấp ống hút sinh học cho các khách sạn ở New York, việc duy trì các hợp đồng cung ứng ống hút cho đối tác khá là khó khăn và thường phải dựa trên các mối quan hệ cá nhân.
Bài toán khó khăn muôn thuở vẫn là chi phí cho ống hút sinh học thường cao gấp 5-7 lần so với ống hút nhựa. Vì vậy Freehold phải thuyết phục các khách sạn thay đổi thói quen phục vụ khách hàng để giảm tổng chi phí ống hút của doanh nghiệp.
Thay thế toàn bộ ống hút nhựa chỉ góp phần giảm bớt 0,025% lượng nhựa thải ra môi trường hàng năm
Ngoài giấy và kim loại, một số doanh nghiệp còn chế tạo các ống hút đặc biệt như ống hút thịt, ống hút tre, ống hút cỏ khô, hoặc ống hút làm từ mì ống. Một số doanh nghiệp khác lại cung cấp các ống hút nhựa có thể tái sử dụng, như công ty FinalStraw ở Hoa Kỳ. Loại ống hút mới của công ty có thể tái sử dụng nhiều lần và họ xem đây là một biện pháp cải thiện tình trạng xả thải nhựa vô tội vạ hiện nay.
Dù rất nhiều nỗ lực để thay thế ống hút nhựa diễn ra mạnh mẽ nhưng kể cả khi toàn bộ ống hút nhựa được thay thế, chúng chỉ giúp giảm bớt 0,025% lượng nhựa thải của con người hàng năm.
Theo các chuyên gia, những nỗ lực giúp giảm rác thải nhựa không thể chỉ xuất phát từ người tiêu dùng. Văn hóa tiêu dùng hiện đại đã hình thành thói quen sử dụng vô tội vạ các sản phẩm dùng một lần. Ống hút nhựa và các sản phẩm từ nhựa khác chỉ là một phần của văn hóa tiêu dùng hiện đại ấy.
Nếu không thay đổi cách thức sử dụng sản phẩm và giải quyết triệt để mối quan hệ giữa sản xuất kinh doanh với vấn đề môi trường, thì việc thay nhựa bằng vật liệu khác sẽ chỉ luẩn quẩn trong câu chuyện "bình mới rượu cũ".