Với sự phát triển không ngừng của công nghệ ngày nay, có rất nhiều người đang mua sắm tại các trang web thương mại điện tử. Chỉ cần cú click chuột, sản phẩm bạn mong muốn sẽ được bày hết ra trước mắt mà chẳng cần phải đi đâu cả.
Thậm chí, mua sắm trên mạng còn có nhiều đợt "sale sập sàn" với giá cả còn thấp hơn ở cửa hàng ngoài đời. Bởi vì nhiều lợi ích hấp dẫn như vậy, các trang web mua sắm đang ngày càng lớn mạnh và trở thành thứ tất yếu trong thời đại 4.0.
Sàn thương mại điện tử đang trở thành một điều tất yếu trong cuộc sống hiện đại.
Tuy nhiên, khi mua hàng trên mạng, bạn cũng cần hết sức tỉnh táo. Mặc dù chương trình sale ngập tràn như vậy nhưng không ít sản phẩm lại gặp vấn đề "độn giá". Nhìn thì có vẻ giảm nhiều đấy, nhưng tham khảo ở trang web khác thì giá sau khi sale lại bằng hoặc xấp xỉ giá thị trường của sản phẩm .
Đơn cử là chiếc DJI Osmo Mobile 3, giá sau khi giảm 40% tại một trang web thương mại điện tử nổi tiếng là 2,29 triệu đồng (giá thị trường 3,79 triệu đồng).
Chuyển sang một trang cửa hàng về thiết bị nhiếp ảnh có tiếng, sản phẩm này có giá ban đầu 2,49 triệu đồng và giảm 100.000 đồng còn 2,39 triệu đồng.
Giá của sản phẩm DJI Osmo Mobile 3 trên một trang web thương mại điện tử nổi tiếng.
Cùng một sản phẩm, nhưng giá "thị trường" lại chênh lệch quá nhiều.
Không chỉ có DJI Osmo Mobile 3 gặp tình trạng "độn giá", mà rất nhiều sản phẩm khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Giá thị trường của sản phẩm máy chơi game cầm tay G1 Plus được thông báo là 680.000 đồng.
Tuy nhiên giá tại trang web khác là 590.000 đồng, thậm chí giá khi sale còn 180.000 đồng.
Quạt tản nhiệt Black Shark được ghi có giá bán thị trường là 1,1 triệu đồng.
Ở một trang khác, cùng một giá sale (750.000 đồng), nhưng giá ban đầu chỉ có 990.000 đồng.
Màn hình gaming LG 24MP59G-P được ghi có giá thị trường là 4,1 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở trang web khác cho thấy cùng một màn hình gaming nhưng giá ban đầu chỉ gần 3,5 triệu đồng mà thôi.
Điều này cũng có thể hiểu là tùy đại lý mà nhà phân phối sẽ có mức chiết khấu khác nhau và làm thay đổi giá bán. Tuy nhiên, việc giảm đến 40% mà số tiền người mua phải bỏ ra tương đương việc chưa sale thì khó có thể chấp nhận.
Thực tế, sản phẩm "biến hóa" giá gốc hoàn toàn khác cũng là chiêu trò không hề mới. Tại các trung tâm thương mại lớn, hầu hết những đợt sale mang tên "cực khủng,cực sốc" cũng đều đẩy giá bán ban đầu của sản phẩm lên và tăng phần trăm giảm giá.
Khi khách hàng nhìn vào, họ sẽ nghĩ mình vớ được món hời. Qua đó, nhiều cửa hàng dễ dàng kích thích nhu cầu mua của người dùng. Đối với sàn thương mại điện tử, họ cũng áp dụng cách làm như trên để tăng số lượng bán ra của sản phẩm.
Suy cho cùng, không thể phủ nhận lợi ích của các trang web bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, hãy là một khách hàng thông minh, cần phải tỉnh táo khi mua hàng, tránh gặp phải những trường hợp "sale ảo" như trên.