Thủ tướng Chính phủ ban hành vừa ban hành Quyết định số 82/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo đó, sẽ xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang; đến năm 2024 đủ điều kiện thành lập thị xã. Sau năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III và bảo đảm các điều kiện phát triển thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang.
Theo quyết định, ranh giới lập quy hoạch gồm 10 xã, thị trấn: Thị trấn Chũ và các xã Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Kiên Thành, Kiên Lao, Hồng Giang, Thanh Hải (không bao gồm thôn Khuôn Rẽo), huyện Lục Ngạn. Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 25.155 ha (251,5km2), chạy dọc theo con sông Lục Nam của tỉnh Bắc Giang. Con số này gấp 3,7 lần diện tích của TP Bắc Giang - TP duy nhất của tỉnh này cho tới thời điểm hiện tại.
Về dân số quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị khoảng 150.000 người, trong đó nội thị khoảng 130.640 người, chiếm khoảng 87,1% tổng dân số. Đến năm 2045, dân số đô thị khoảng 240.000 người, trong đó nội thị khoảng 210.495 người, chiếm khoảng 87,6% tổng dân số.
Về tính chất, đô thị Chũ là đô thị trung tâm vùng phía Đông và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao, là đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời là đô thị phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và là trung tâm dịch vụ hậu cần vận tải (logistics), công nghiệp kho vận và dịch vụ xuất khẩu khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang.
Tỉnh tập trung ưu tiên cho các dự án có thế mạnh, động lực, tiềm năng cho phát triển kinh tế của địa phương như: Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao; làng nghề mỳ Chũ tại xã Nam Dương; các cụm công nghiệp, khu nghiên cứu R&D; dịch vụ logistics, khu đô thị, dịch vụ thương mại cấp vùng và dịch vụ du lịch...
Nếu việc đô thị Chũ lên thành phố, Bắc Giang sẽ có hai thành phố, một thị xã và 7 huyện. Trong đó, đô thị Chũ ở phía Đông tỉnh Bắc Giang có tuyến giao thông huyết mạch đi qua là QL31, cùng một số tuyến đường giao thông mở mới, với những lợi thế kinh tế từ con sông Lục Nam chạy qua.
Mới đây, từ ngày 1/2/2024, thị xã Việt Yên của tỉnh này cũng được thành lập trên cơ sở huyện Việt Yên với diện tích 171 km2, dân số gần 230.000 người.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Bắc Giang trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước năm 2023 với con số đạt 13,45%. Ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì quy mô nền kinh tế GRDP của tỉnh vươn lên vị trí thứ 12 cả nước; đạt 181,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD), tăng một bậc so với năm 2022 và tiếp tục đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng mạnh so với năm 2022. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 52,4 tỷ USD (tăng 20,9%) và đứng thứ 6 cả nước; riêng xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD (tăng 22,3%), xuất siêu 2,4 tỷ USD. Đây là tỉnh duy nhất của cả nước xuất siêu trong năm 2023.
Bắc Giang cũng là địa phương thu hút FDI tới 3 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước chỉ sau 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.